Tới dự có Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải; đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội; Ban quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội; Đảng ủy khối các DN Hà Nội, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội… Dự Hội thảo còn có đông đảo Chủ tịch LĐLĐ các quận, huyện, công đoàn ngành, công đoàn cấp trên cơ sở, công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc và đại diện lãnh đạo, cán bộ công đoàn một số DN trên địa bàn TP.
Quang cảnh Hội thảo "Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước" |
Đây là hoạt động ý nghĩa của tổ chức cng đoàn Thủ đô hướng tới cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; chào mừng kỷ niệm 135 năm ngày Quốc tế lao động 1/5 - ngày hội của giai cấp công nhân và người lao động (NLĐ) toàn thế giới.
Phát biểu tại đây, Chủ tịch LĐLĐ TP Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh: LĐLĐ TP đang quản lý chỉ đạo 45 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở với tổng số 8.899 CĐCS và 608.630 đoàn viên, trong đó, DN ngoài KVNN có 5.480 CĐCS với 413.728 đoàn viên (chiếm 61,5% số CĐCS và 67,9% tổng số đoàn viên công đoàn toàn TP). Thời gian qua, LĐLĐ TP đã bám sát nhiệm vụ chính trị; từng bước nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công đoàn và chất lượng hoạt động CĐCS, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, lấy quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ làm mục tiêu tập hợp, thu hút và hoàn thiện phương thức hoạt động. Các CĐCS DN ngoài KVNN trên địa bàn cũng đã phát huy tốt vai trò đại diện, bảo vệ của mình; tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CNLĐ theo hướng thiết thực; thực hiện quy chế dân chủ, đảm bảo an toàn VSLĐ; đại diện tập thể NLĐ tham gia xây dựng các nội quy, quy chế của DN; thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể; xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế khen thưởng. Từ đó, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN trên địa bàn TP; xây dựng đội ngũ CNLĐ Thủ đô phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH-HĐH và hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền và tổ chức công đoàn vững mạnh.
Tiến sỹ Nguyễn Phi Thường - Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội phát biểu tại Hội thảo |
Tuy nhiên, tình hình quan hệ lao động và hoạt động công đoàn trong các DN ngoài KVNN hiện vẫn còn nhiều tồn tại, chậm đổi mới, chưa theo kịp đòi hỏi thực tiễn và kỳ vọng của số đông NLĐ. “Thời gian tới, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cùng những tác động mạnh mẽ của cuộc CMCN lần thứ tư đặt ra cho Công đoàn Việt Nam nói chung và tổ chức công đoàn Thủ đô nói riêng nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn thách thức, đòi hỏi phải đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, cùng nỗ lực hơn nữa của đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp, đặc biệt cán bộ CĐCS, để Công đoàn Thủ đô thực sự là tổ chức đại diện và chỗ dựa tin cậy của đoàn viên, NLĐ” - Chủ tịch LĐLĐ TP nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, đã có nhiều ý kiến sôi nổi từ đại diện LĐLĐ quận Long Biên, Công đoàn Công ty CP Dệt 10/10, Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội, Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội, Ban Chính sách pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam… tham luận về các vấn đề: Nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể trong DN ngoài KVNN; thực trạng công tác tài chính và các giải pháp đảm bảo tài chính phục vụ hoạt động của CĐCS; CĐCS trong công tác tuyên truyền, tư vấn, giáo dục pháp luật cho CNLĐ; tác động của việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới tới hoạt động công đoàn trong thời gian tới…
Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu |
Đáng chú ý, Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã đề xuất một số định hướng, giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật để nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS trong DN ngoài KVNN. Trong đó, cần thí điểm thành lập CĐCS ghép trong các đơn vị có dưới 25 đoàn viên; nghiên cứu, hướng dẫn đổi mới mô hình tổ chức CĐCS trong các DN có trên 2.000 lao động khu vực NNN; nghiên cứu sửa đổi quy định về nhiệm vụ của CĐCS phù hợp từng loại hình đơn vị, DN và theo hướng giảm nhiệm vụ không liên quan trực tiếp đến chức năng đại diện của công đoàn trong phạm vi quan hệ lao động.
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải phát biểu |
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải đề nghị các cấp công đoàn, đặc biệt CĐCS quan tâm thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm: Thứ nhất, tổ chức công đoàn phải thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ NLĐ, qua đó thu hút, tập hợp được NLĐ đến với tổ chức của mình; phải giữ cho được số đoàn viên, chuẩn bị tâm thế để thu hút, tập hợp và phát triển thêm đoàn viên công đoàn.
Thứ hai, phải xác định rõ nhiệm vụ cho CĐCS, không để CĐCS ôm đồm quá nhiều việc mà tập trung vào nhiệm vụ chính, trọng yếu là đại diện, bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên, NLĐ; tập trung triển khai các chương trình như thương lượng tập thể, phúc lợi đoàn viên…
Thứ ba, cần quan tâm đến chế độ đối với cán bộ CĐCS. Đối với cán bộ CĐCS, cũng cần xác định đây là một nhiệm vụ, công việc, cần thay đổi suy nghĩ, hành động. Đồng thời, cán bộ công đoàn cấp trên cần có cơ chế bảo vệ, chăm lo cho cán bộ CĐCS, “giữ chân” chủ tịch CĐCS.
Thứ tư, cần xem xét rõ vị thế cán bộ CĐCS tại cơ sở - có được từ chính hoạt động tại CĐCS; quan tâm tôn vinh, phát triển Đảng đối với cán bộ CĐCS, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ CĐCS.
Thứ năm, cân nhắc thêm mô hình hoạt động CĐCS hiện nay. Theo đó, trong cơ cấu của Ban Chấp hành CĐCS cần những người có trí tuệ, hiểu biết về hoạt động của đơn vị để tham gia đóng góp với đơn vị, từ đó tham gia xây dựng chính sách cho đoàn viên, NLĐ hiệu quả hơn.
Thứ sáu, cán bộ công đoàn “nói thì phải làm”, và khi đã làm phải có kết quả, hiệu quả cụ thể.
"Chúng tôi cho rằng “bốn cần” để làm cho CĐCS mạnh, đó là: Phát triển đoàn viên, quản lý tốt đoàn viên, nâng cao chất lượng đoàn viên, quyền lợi cho đoàn viên”, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam nêu rõ.