Ngày 21/3, Sở LĐTB&XH Hà Nội tổ chức Hội nghị Triển khai công tác đào tạo nghề đối với lao động thụ hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn TP Hà Nội.
Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết: Trong những năm qua, thực hiện chính sách BHTN trên địa bàn TP có rất nhiều cố gắng; song trong tình hình kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn thì lao động việc làm vẫn là vấn đề nóng, cần tập trung nhiều giải pháp căn cơ để giải quyết. Và trong 3 năm qua, việc giải quyết thất nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội đang có xu hướng tăng dần về số người nộp hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Năm 2021 Hà Nội giải quyết chính sách BHTN cho trên 63.000 người, đến năm 2022 đã lên tới trên 72.000 người và năm 2023 là trên 85.000 người.
Số người lao động nộp hồ sơ và hưởng BHTN tăng lên nhưng số người hưởng chính sách về đào tạo nghề hỗ trợ tìm kiếm việc làm mới thì lại có xu hướng giảm và đặc biệt là năm 2023 giảm rất sâu.
Thông tin cụ thể tình hình thực hiện hỗ trợ học nghề đối với người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp từ năm 2021 đến năm 2023, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Vũ Thị Thanh Liễu cho biết: Năm 2021, số lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 63.170 người, năm 2022 tăng lên thành 72.546 người (trong đó có 4.585 hồ sơ trực tuyến); năm 2023 là 85.616 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (35.069 hồ sơ trực tuyến) và 2 tháng đầu năm 2024 có 8.729 người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Số người lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp lần lượt qua từng năm là: Năm 2021 có 63.363 người; năm 2022 là 71.717 người; năm 2023 là 84.984 người và 2 tháng đầu năm 2024 là 10.741 người.
Tuy rằng số lao động nộp hồ sơ và có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng nhưng số người có quyết định học nghề lại giảm, cụ thể là: Năm 2021 là 1.075 người; năm 2022 là 1.590 người; năm 2023 là 778 người và 2 tháng đầu năm 2024 là 117 người.
Và số lao động tham gia học nghề rất thấp, năm 2021 là 558 người, năm 2022 là 1.117 người, năm 2023 là 487 người và 2 tháng đầu năm 2024 có 36 người. Các ngành nghề chủ yếu được người lao động lựa chọn đăng ký học là: Kỹ thuật nấu ăn, Kỹ thuật pha chế đồ uống, Lái xe ô tô hạng B2 và C, Tin học văn phòng, Làm bánh ngọt và một số ngành nghề khác.
Theo Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Tây Nam, các chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Luật Việc làm đã được Quốc hội thông qua từ năm 2013 cho đến nay và một số nghị định do Chính phủ ban hành đã quy định các chính sách rất tốt, nhân văn. Nhưng số người hưởng chính sách BHTN về hỗ trợ đào tạo nghề lại đang có xu hướng giảm là do sự không thiết tha của người lao động hay công tác thông tin truyền thông chưa tới được người lao động, cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc mức kinh phí đào tạo còn thấp... thì chúng ta cần phân tích và làm rõ nguyên nhân.
Tại Hội nghị, đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã có những trao đổi để tìm ra nguyên nhân số người đăng ký học nghề giảm; qua đó tìm ra những giải pháp căn cơ nhằm thu hút người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp tham gia học nghề nhiều hơn.