Cần cung cấp thông tin đến người dân nhiều hơn
Ths Đỗ Thị Thanh Huyền – Chuyên gia phân tích, UNDP Việt Nam cho biết, trong 8 chỉ số nội dung, Hà Nội có 3 chỉ số nội dung cao (theo thang điểm 10), đó là: Thủ tục hành chính công (7,499 điểm); Cung ứng dịch vụ công (6,927 điểm); Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (6,076 điểm). Trong đó, người dân đánh giá cao sự thay đổi tích cực ở các nội dung thành phần như: Kiểm soát tham nhũng trong chính quyền, kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công, công bằng trong tuyển dụng vào nhà nước, quyết tâm chống tham nhũng; y tế công lập.
Tuy nhiên, trong các chỉ số nội dung Hà Nội thuộc nhóm thấp, bà Đỗ Thị Thanh Huyền cũng chỉ rõ những nội dung thành phần và một số chỉ tiêu Hà Nội “kéo” điểm xuống. Trong đó, ở “trách nhiệm giải trình với người dân” (4,61 điểm), người dân đánh giá việc cán bộ giải quyết khúc mắc của họ tỷ lệ ngày càng thấp hơn khi lên chính quyền cấp cao hơn (từ xã, phường lên quận, huyện). Hay trong quá việc “quản trị môi trường” (Hà Nội thuộc nhóm điểm thấp: 3,58 điểm), người dân không đánh giá cao chất lượng nguồn nước.
Thạc sỹ Đỗ Thị Thanh Huyền – Chuyên gia phân tích, UNDP Việt Nam |
Điều đáng lưu ý, mặc dù nội dung “Quản trị điện tử” của Hà Nội được người dân đánh giá cao (3,23 điểm), nhưng tỷ lệ người cho biết đã lấy đủ thông tin chỉ dẫn và biểu mẫu cần thực hiện từ cổng thông tin điện tử của TP khi làm thủ tục cấp GCNQSDĐ còn thấp (1,32%); trong khi có tới 56,1%% người dân có kết nối Internet tại nhà.
Vì thế, người dân kỳ vọng TP sẽ triển khai mạnh mẽ quản trị điện tử để người dân có thể tương tác trực tuyến với chính quyền khi cần thông tin chính sách hoặc sử dụng dịch vụ công điện tử. Để làm được điều đó, TP cần xây dựng và phát triển chính quyền điện tử ở tất cả các cấp; đồng thời đổi mới trong tư duy cán bộ, công chức trong thời gian tới.
Cải thiện thực chất, không nên chạy theo thành tích
TS Bùi Phương Đình – Viện Xã hội học và Phát triển Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Những kết quả của việc cắt giảm thủ tục hành chính của TP trong thời gian qua là nỗ lực của 20 năm cải cách hành chính. Tuy nhiên, rất khó để có thể để một cơ quan chức năng cụ thể nào có thể chịu trách nhiệm về toàn bộ chỉ số PAPI, bởi đây phải là nỗ lực của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Thành ủy.
Chia sẻ kinh nghiệm một số địa phương, TS Bùi Phương Đình cho rằng việc cải thiện và nâng cao hiệu quả quản trị nên là một nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, kiên trì, liên tục của các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cơ sở.
TS Bùi Phương Đình nêu khó khăn lớn nhất của Hà Nội trong việc cải thiện Chỉ số PAPI đó là PAPI đánh giá qua dân cư trú nhưng Hà Nội có luồng dân di cư mạnh mẽ. “Tuy nhiên, Hà Nội không nên lo ngại về vị trí, cần tập trung cải thiện thực chất hiệu quả quản trị cấp tỉnh chứ không nên cải thiện chỉ số điểm, bởi như vậy sẽ rất dễ rơi vào bệnh thành tích, mà không có được kết quả thực chất” - ông Bùi Phương Đình khuyến nghị.
Để làm được điều đó, TS Bùi Phương Đình đề xuất nên đưa cán bộ, công chức, viên chức vào một bộ chỉ số đánh giá để tạo cho họ động lực cạnh tranh, phải hướng vào động lực hành động của cán bộ chứ không nên ép chỉ tiêu nhiệm vụ từ trên xuống. Bên cạnh đó, việc rèn luyện kỹ năng làm việc cho cán bộ gắn với thực tiễn và tập trung hướng về cơ sở là vô cùng quan trọng.
TS Bùi Phương Đình – Viện Xã hội học và Phát triển Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh |
Theo đánh giá thẳng thắn của TS Lê Văn Hoạt – Nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP, Chỉ số PAPI của Hà Nội từ năm 2011 đến nay liên tục bị tụt hạng (từ xếp thứ 20 năm 2011 xuống thứ 56 năm 2018), mặc dù điểm đánh giá các chỉ số nội dung có tăng lên (từ 36,4 năm 2011 lên 42,33 năm 2018). Đáng chú ý là 3 năm gần đây (2016 – 2018) có được cải thiện đôi chút về điểm và bảng xếp hạng. Năm 2018 tăng so với năm 2016 được 8,52 điểm và 2 bậc.
Xem xét thêm về mối quan hệ giữa các chỉ tiêu PCI, PAR Index và PAPI của Hà Nội có thể thấy rằng, điểm và vị trí xếp hạng của Hà Nội đối với chỉ số PAR Index và PCI có biến đổi rất rõ theo chiều hướng tích cực trong những năm qua, trái lại, chỉ số PAPI thì thấp (cả ở điểm số và vị trí xếp hạng) và biến đổi rất chậm, chỉ 3 năm gần đây mới cải thiện hơn. Điều đó có nghĩa là việc điều hành kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh (PCI) và công tác cải cách hành chính (PAR Index) của chính quyền TP Hà Nội được đánh giá ngày càng tốt hơn nhưng hiệu quả quản trị và hành chính công của chính quyền TP (thông qua chỉ số PAPI) thì chưa được người dân ghi nhận và đánh giá tốt.
Chỉ số PAPI hình thành thông qua ý kiến đánh giá của các doanh nghiệp dân doanh, chỉ số PAR Index hình thành thông qua đánh giá của bản thân các cơ quan quản lý nhà nước là chính kết hợp với đánh giá từ bên ngoài thông qua điều tra xã hội học. Còn đối với chỉ số PAPI thì hình thành dựa trên ý kiến đánh giá từ phía người dân với tư cách là “khách hàng”, là “đối tượng phục vụ” của bộ máy hành chính nhà nước.
Vì thế, TS Lê Văn Hoạt kiến nghị cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức về Chỉ số PAPI cho cán bộ, công chức các cơ quan thuộc các cấp của chính quyền TP. Cùng với đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với chính quyền cơ sở về chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, trách nhiệm và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức khi thi hành nhiệm vụ.
Tập trung cải thiện đột phá ở cấp xã, phường
PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ - Nguyên UVTV, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ, Viện trưởng Viện NCPT kinh tế - xã hội Hà Nội cho biết: Theo nghiên cứu của các nhà khoa học có khoảng 70% số lượt thực hiện thủ tục hành chính của người dân diễn ra ở cấp xã phường; 30% còn lại diễn ra ở cấp quận huyện, mặc dù tỷ lệ số thủ tục hành chính ở cấp quận huyện là lớn hơn nhiều so với cấp phường xã.
Song việc cải thiện chỉ số PAPI nhất là sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; trách nhiệm giải trình với người dân; công khai minh bạch cung ứng dịch vụ công; thủ tục hành chính công,… thì kết quả chủ yếu lại phụ thuộc vào các cơ quan cấp huyện, cấp xã, phường trong đó cấp xã phường đóng vai trò quan trọng.
“Do vậy, cải cách hành chính sắp tới ở Hà Nội cần tập trung đột phá vào cấp xã phường để cải thiện chỉ số PAPI” – ông Nguyễn Chí Mỳ nhấn mạnh.
Chia sẻ kinh nghiệm cải thiện Chỉ số PAPI ở một xã miền núi TP, Chủ tịch UND xã Yên Bình, huyện Thạch Thất Nguyễn Giáp Dần cho biết: Với tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”, trong công tác xây dựng nông thôn mới, xã Yên Bình đã vận động nhân dân đóng góp tư nguyện hàng nghìn ngày công, hàng nghìn mét vuông đất, hiện vật, tiền,… cho việc xây dựng các công trình công cộng.
Chủ tịch UND xã Yên Bình, huyện Thạch Thất Nguyễn Giáp Dần |
Hàng năm vận động nhân dân tham gia các họạt động xã hội, từ thiện như quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo, quỹ khuyến học,… đảm bảo nguyên tắc dân chủ do người dân thực hiện và quyết định mức đóng góp, có sự giám sát của thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư công cộng. Thực hiện đúng quy định việc công khai danh sách hộ nghèo và các chính sách xã hội cho hộ nghèo, ngân sách xã và các khoản thu khác ở khu dân cư, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Xã Yên Bình còn tổ chức các hội nghị đối thoại trực tiếp với nhân dân tại các thôn hàng tháng (mỗi tháng 1 thôn) lãnh đạo UBND xã cùng các cán bộ chuyên môn xuống tận thôn đối thoại, toạ đàm với nhân dân, giải quyết những bức xúc trong nhân dân ngay từ cơ sở.
Chủ tịch UBND xã Yên Bình cho rằng: Nhằm cải thiện và nâng cao các Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công trong tình hình mới, đặc biệt là trong điều kiện công nghệ thông tin ngày càng phát triển như hiện nay việc tuyên truyền cũng như công khai các thủ tục hành chính, các nội dung người dân quan tâm và có quyền được biết, kịp thời tiếp nhận, xử lý giải quyết ý kiến phản ánh, kiến nghị của nhân dân.
Cấp xã cần tạo một trang thông tin điện tử của xã. Đây cũng là một hình thức tăng thêm sự tương tác, kết nối giữa chính quyền với người dân.