Hà Nội triển khai mô hình chính quyền đô thị: Người dân là trung tâm trong chỉ đạo, điều hành

Trần Hà - Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 1/7, các phường tại 12 quận và thị xã Sơn Tây của Hà Nội đã bắt đầu triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị, với nhiều quy định mới, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp với đặc thù đô thị... Với sự đón nhận của người dân, chính quyền đô thị được tin tưởng sẽ tinh gọn, nhanh hơn trong giải quyết thủ tục hành chính, thông suốt hơn trong chỉ đạo, điều hành.

Cán bộ UBND huyện Sóc Sơn hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính online. Ảnh: Công Hùng
Phục vụ người dân đô thị nhanh hơn, thông suốt hơn
Ngày 1/7, tại một số quận, đã tổ chức công bố quyết định bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường; ban hành các quyết định về cán bộ, công chức các phường… Đây là những công việc đầu tiên đề vận hành một mô hình quản lý mới, bởi theo quy định, cấp phường chỉ có UBND, không còn HĐND, công chức thuộc phường sẽ trở thành công chức thuộc quận.... Theo lãnh đạo các quận, với sự chuẩn bị chu đáo, không làm gián đoạn và khó khăn cho hoạt động của UBND các phường thời gian mới đi vào hoạt động theo mô hình mới. Đồng thời với đó, quận và các phường sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong thực hiện của cán bộ, công chức và Nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận tiện hơn khi phục vụ người dân, để đáp ứng sự hài lòng của người dân.

Từ TP cũng như tại các phường của Hà Nội, với sự chuẩn bị sẵn sàng, việc triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị được kỳ vọng bảo đảm được các mục đích quan trọng đó là phục vụ người dân đô thị tốt hơn, nhanh hơn, thông suốt hơn; hiệu lực quản lý và điều hành xã hội của chính quyền thống nhất hơn, giảm bớt các tầng nấc trung gian; sớm giải quyết, xử lý dứt điểm những vấn đề phát sinh trong quản lý đô thị. Bởi mục tiêu thí điểm quản lý theo mô hình này hướng tới là xây dựng chính quyền ở đô thị hiệu quả, tự chủ, năng động và có đủ thẩm quyền, đủ trách nhiệm để giải quyết những vấn đề mà người dân cũng như đô thị đặt ra.

Những quy định mới trong mô hình chính quyền đô thị cũng được các quận quán triệt đến phường. Trong đó, một trong những quan điểm quan trọng để tổ chức chính quyền đô thị ở Hà Nội là UBND phường được xác định là cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn, hoạt động theo nguyên tắc chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; gắn với cải cách hành chính, hiện đại hóa nền hành chính. Chủ tịch UBND phường có quyền tự quyết định và chịu trách nhiệm cá nhân về mọi vấn đề trong phạm vi thẩm quyền của phường do mình quản lý. UBND phường được đề xuất các chương trình, dự án đầu tư công dùng vốn ngân sách Nhà nước; thực hiện chương trình, dự án đầu tư công theo phân cấp quản lý; đề xuất các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, phòng chống tội phạm...

Theo lãnh đạo nhiều quận nhận định, việc quản lý tập trung thống nhất của UBND TP, quận, thị xã theo ngành, lĩnh vực và theo địa bàn sẽ nâng cao tính tự chủ trong quản lý và phát triển. Đồng thời phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm, sáng tạo của các địa phương trong quá trình phục vụ người dân một cách tốt nhất, đáp ứng sự hài lòng của người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tại các đô thị.

Theo lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, những nội dung đổi mới trong cơ chế quản lý, phương thức hoạt động và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức phường theo mô hình chính quyền đô thị sẽ giúp quận và các phường đổi mới, tinh gọn bộ máy nhưng vẫn đảm bảo tăng cường hiệu lực, hiệu quả, sự đồng bộ thông suốt trong quản lý, điều hành. Việc không tổ chức HĐND quận, phường thì quyền đại diện của cử tri sẽ được mở rộng thông qua các kênh khác. Như vậy, từ đòi hỏi, yêu cầu của cử tri buộc cán bộ, công chức phải thực hiện tốt trách nhiệm; nâng cao tính năng động, chủ động của địa phương. Bên cạnh đó đảm bảo tiết kiệm ngân sách có đủ điều kiện thêm lực cho chương trình đầu tư phát triển, chính sách dân sinh.

Xây dựng rõ quy chế làm việc

Ngay sau khi công bố các quyết định liên quan đến bộ máy, các phường sẽ bắt tay ngay vào xây dựng Quy chế làm việc của UBND phường. Trong đó, quy định rõ nguyên tắc, chế độ trách nhiệm, lề lối làm việc, phương thức giải quyết công việc của UBND phường, mối quan hệ công tác với HĐND, UBND, các phòng, ban, ngành thuộc quận với vị trí là một cơ quan hành chính ở phường. Xác định rõ quyền, trách nhiệm của tập thể UBND, của cá nhân Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và từng cán bộ thuộc UBND…

Theo Chủ tịch UBND phường Văn Miếu (quận Đống Đa) Nguyễn Thị Vân Anh, để chuẩn bị tốt cho việc vận hành mô hình chính quyền đô thị, UBND phường đã tiến hành rà soát đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động không chuyên trách ở phường để xây dựng phương án bố trí, sắp xếp nhân sự theo đúng quy định bảo đảm tổ chức bộ máy tính gọn, ổn định, hoạt động hiệu quả phù hợp với mục tiêu đặt ra. Ngoài ra, UBND phường đã ban hành quy chế làm việc, thực hiện từ ngày 1/7/2021. “Theo quan điểm của tôi, mô hình này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Điển hình như việc lãnh đạo UBND phường ủy quyền cho công chức tư pháp, hộ tịch ký hồ sơ chứng thực sẽ tiết kiệm thời gian cho dân, không phải chờ đợi lâu và góp phần cải cách hành chính. Hàng năm ít nhất 2 lần, trước họp thường kỳ của HĐND quận, chủ tịch UBND có trách nhiệm tổ chức hội nghị đối thoại với Nhân dân, nên từ đó có thể nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân để điều hành công việc đạt hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích cho người dân”- bà Nguyễn Thị Vân Anh nêu.

Mô hình chính quyền đô thị cũng nhận được sự đón chờ của người dân đô thị, bởi việc phân quyền, phân cấp rõ ràng hơn sẽ giúp người dân được giải quyết các thủ tục hành chính nhanh hơn. Theo ông Đỗ Đức Thiện (phường Kim Liên, quận Đống Đa), việc thí điểm tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị là một việc hệ trọng với nhiều nội dung, yêu cầu cụ thể, trong đó có việc không tổ chức HĐND ở các phường. Người dân mong muốn bộ máy chính quyền đô thị khi được tổ chức sẽ vận hành một cách hiệu quả, tinh gọn. Đặc biệt, người dân sẽ chính là những người được hưởng lợi trực tiếp từ việc tổ chức chính quyền đô thị này, kỳ vọng những công việc liên quan tới giấy tờ, hồ sơ sổ sách và các thủ tục hành chính sẽ không phải đi lại nhiều lần, đến nhiều nơi từ phường tới quận như trước kia.

Chủ tịch UBND phường Tứ Liên (quận Tây Hồ) Nguyễn Việt Cường: Đòi hỏi tư duy và cách làm mới

Trong quá trình thực hiện mô hình chính quyền đô thị, tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác từ người đứng đầu, nhất là đội ngũ công chức công tác tại phường rất cần tư duy đổi mới, tác phong làm việc nhanh nhẹn, không ngừng trau dồi kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần thái độ phục vụ...

Cùng với đó, để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra, các lực lượng chức năng phường sẽ tăng cường hơn nữa tính phối hợp với hệ thống chính trị khu dân cư, đặc biệt là tổ trưởng tổ dân phố… để kịp thời lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của người dân để kịp thời tháo gỡ, đảm bảo cuộc sống của người. Công Trình ghi
Chủ tịch UBND phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm) Đỗ Thị Hương Chà: Thủ tục của người dân sẽ được giải quyết nhanh chóng, tiết kiệm chi phí

Khi chuyển sang chính quyền đô thị, những nhiệm vụ tại cơ sở là thường xuyên liên tục nên ý kiến của người dân cũng như các tồn tại vướng mắc không cứ phải chờ vào kỳ tiếp xúc cử tri. Ngoài ra, phường vẫn tiếp tục duy trì chính quyền điện tử, đảm bảo dịch vụ công trực tuyến trên hệ thống hơn 90%. Đặc biệt, khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị, người dân sẽ chính là những người được hưởng lợi trực tiếp. Những công việc liên quan tới giấy tờ, các thủ tục hành chính của người dân sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí. Trần Thảo ghi
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Kim Giang (quận Thanh Xuân) Trần Thị Nga: Phát huy sự chủ động giải quyết công việc

Việc triển khai chính quyền đô thị sẽ mang đến nhiều thuận lợi cho người dân khi tạo sự hoạt động thông suốt, khoa học giữa phường và quận; cơ quan hành chính hoạt động đảm bảo quy tắc tập trung, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả. Cùng đó, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính của công dân, giảm thời gian đi lại; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Với mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm, việc đáp ứng phúc lợi cho người dân được chủ động và hiệu quả cao hơn. Hồng Thái ghi
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Phố Huế (quận Hai Bà Trưng) Phan Bá Tường: Đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân

Khi không còn tổ chức HĐND phường, quyền dân chủ và giám sát của Nhân dân vẫn sẽ được bảo đảm và còn được tăng cường hơn nữa bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp, đặc biệt, hằng năm ít nhất 2 lần, UBND phường có trách nhiệm tổ chức hội nghị đối thoại với Nhân dân. Hơn nữa, khi thực hiện chính quyền đô thị sẽ có việc công chức tư pháp - hộ tịch được UBND phường ủy quyền ký hồ sơ chứng thực, sẽ góp phần giải quyết công việc cho người dân nhanh hơn.

Đó là những lợi ích thiết thực nhất có thể thấy rõ mà mô hình chính quyền mới này mang lại cho người dân cũng như chính quyền cơ sở.

Trước mắt, để mô hình này hoạt động hiệu quả, phường sẽ tăng cường công tác tuyên truyền nội dung chính quyền đô thị tới người dân qua hệ thống loa truyền thanh, biên tập các tin bài đăng trên Cổng TTĐT phường. Đồng thời, phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm, sáng tạo trong việc giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo phục vụ tốt nhất, gia tăng sự hài lòng của người dân và thúc đẩy sự phát triển của địa phương. Thùy Linh ghi