Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội tự tin bước vào năm 2018

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2017, Hà Nội hoàn thành 20/20 chỉ tiêu, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch. Đây chính là nền tảng vững chắc để TP tự tin bước sang năm 2018, năm bản lề của kế hoạch 5 năm (2016 - 2020) với chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”.

Điểm sáng về môi trường đầu tư

Năm 2017, thực hiện chủ đề “Năm kỷ cương hành chính”, ngay từ đầu năm, các ngành, các cấp của TP đã đổi mới phương thức hoạt động theo hướng sâu sát, tăng cường kỳ cương, kỷ luật hành chính, trên tinh thần rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả. Nhìn lại năm qua có thể thấy, với tinh thần quyết liệt và nhiều sáng tạo trong điều hành, Hà Nội đã đạt được kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Thu hút vốn đầu tư tăng cao, giá cả thị trường ổn định, lạm phát được kiểm soát, an sinh xã hội được bảo đảm… Những con số là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực của các cấp, các ngành. Tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 8,5% (cách tính mới tăng 7,3%), cao nhất trong 7 năm gần đây. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 11.542 triệu USD, tăng 8%. Hà Nội thu ngân sách vượt 1,4% dự toán, với mức tổng thu ước đạt 207,628 nghìn tỷ đồng, tăng 15,8% so thực hiện năm 2016.
Quang cảnh Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội ngày 19/11. Ảnh: Nhật Nam
Điểm nhấn trong năm 2017 là môi trường kinh doanh TP được cải thiện mạnh mẽ nhờ kết quả cải cách hành chính, giúp Hà Nội thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. TP đã tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư, DN từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án và tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án. Thống kê cho thấy, TP đã phê duyệt chủ trương đầu tư 160 dự án vốn ngoài ngân sách trị giá 110.000 tỷ đồng; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đăng ký (cả cấp mới và tăng vốn) ước đạt 3,356 tỷ USD; tiếp nhận 128 dự án đầu tư theo hình thức PPP (8 dự án đã hoàn thành). Hà Nội cũng đã phát triển được hơn 25.000 DN, tăng 11% so với năm 2016, là mức tăng cao so với những năm trước. Tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt xấp xỉ 100%, trong khi con số này của cả nước đạt 45%. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 10 bậc, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành, cao nhất từ trước tới nay.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung: Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Năm 2017, Hà Nội đón 23,83 triệu lượt khách du lịch, tăng 9%, trong đó, khách quốc tế 4,95 triệu lượt, tăng 23%, tạo đà cho TP đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Từ những kết quả này, Hà Nội sẽ có giải pháp mạnh mẽ hơn để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chủ tịch UBND TP cho biết: TP xác định việc giữ gìn phát huy nền văn hóa của Thủ đô là một nhiệm vụ trọng tâm. Do đó, trong phát triển du lịch, ưu tiên phát triển các làng nghề. Cùng với đó, khuyến khích các DN đầu tư phát triển cho du lịch. Xây dựng các chỉ dẫn du lịch công nghệ số; kết nối tour du lịch với các TP trong vùng và các miền… Với các công việc quyết liệt như vậy trong thực hiện Nghị quyết 09 của Thành ủy và Kế hoạch số 207 của TP về phát triển du lịch. Trong thời gian tới, hoàn toàn có thể đưa ngành du lịch Hà Nội thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Nhờ quyết liệt chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án xây dựng nông thôn mới, TP có thêm 2 huyện Thanh Trì, Hoài Đức và 30 xã đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã nông thôn mới đạt chuẩn toàn TP lên 285 xã (73,8%). Đồng thời, xây dựng Chương trình hỗ trợ các xưởng giết mổ, những hộ trồng chè, trồng rau ở vùng có công nghệ cao; xây dựng được 60 chuỗi tiêu thụ sản phẩm của các hộ nông dân;… Thời gian tới, TP sẽ tiếp tục nghiên cứu các mô hình nông nghiệp công nghệ cao và khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực này.

Nâng chất lượng đô thị

Cùng với kinh tế, lĩnh vực quản lý đô thị cũng khởi sắc. Nhiều công trình, dự án có ý nghĩa quan trọng đã được khởi công hoặc hoàn thành như các dự án đường giao thông cầu vượt, đường Vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái, Vành đai 2, Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng, tuyến Vành đai 3,5 nối Đại lộ Thăng Long với quốc lộ 32… Văn minh đô thị của TP chuyển biến rõ nét khi hệ thống cây xanh, thảm cỏ, các công viên, vườn hoa, chiếu sáng thực hiện theo yêu cầu kỹ, mỹ thuật tiên tiến. TP đã đổi mới căn bản công tác duy tu, duy trì hệ thống công viên, vườn hoa, cây xanh, dải phân cách. Tập trung thu gọn đầu mối quản lý, vận hành để nâng cao hiệu quả công việc. Đáng chú ý, Chương trình “Một triệu cây xanh” đã nhận được sự tham gia xã hội hóa của nhiều đơn vị, tổ chức. Năm 2017, TP đã trồng thêm được khoảng 337.000 cây, đưa tổng số lên 462.000 cây xanh, đạt 46,2% mục tiêu Chương trình. Thực hiện trồng cây xanh theo tầng bậc tại một số vị trí điểm nhấn, tạo cảnh quan cho đô thị.

Một điểm nhấn trong năm 2017 là vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường khi nhiều cách làm, công nghệ mới được triển khai áp dụng. TP đã lựa chọn đơn vị quản lý vận hành tổng thể Khu xử lý rác thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây), tiếp tục đôn đốc và đẩy nhanh tiến độ 4 nhà máy xử lý rác; Đôn đốc các nhà đầu tư triển khai nhà máy xử lý bùn; Đôn đốc lắp đặt các nhà vệ sinh công cộng... TP cũng đã lắp đặt 10 trạm quan trắc không khí; 8 trạm quan trắc nước, đang tiến hành cơ giới hóa, thu gom rác kết hợp với hút rác bằng các loại xe chuyên dụng. Bên cạnh đó, bố trí các máy nghiền phế thải tại các công trình xây dựng, sau khi triển khai tại quận Hoàng Mai sẽ tiếp tục nhân rộng ra tại huyện Thanh Trì và Gia Lâm.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và các đại biểu, cử tri quận Hoàn Kiếm sáng 18/11/2017. Ảnh: Anh Quý
Việc tiếp tục xử lý ô nhiễm ao hồ cũng được đẩy mạnh. Đến nay, TP đã xử lý ô nhiễm ở các hồ nội thành và ngoại thành, phấn đấu đến tháng 6/2018 sẽ xong đợt 1. Cùng với đó, TP đang thực hiện triển khai nạo vét bùn, xử lý nước ô nhiễm tại hồ Hoàn Kiếm và sau Tết Âm lịch sẽ triển khai công việc này tại Hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Tất cả những hồ này khi xử lý đảm bảo toàn bộ nước thải sinh hoạt sẽ không thải xuống hồ, đảm bảo duy trì cảnh quan.

Đưa công nghệ vào quản lý

Năm 2017 cũng là năm Hà Nội có những bước tiến vượt trội trong ứng dụng CNTT trong điều hành và quản lý, hướng tới việc xây dựng TP thông minh. Trong đó, TP đã triển khai hệ thống thông tin giao thông; Cổng thông tin du lịch Hà Nội và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giải đáp, hướng dẫn công dân, DN về dịch vụ hành chính công của TP.

Cùng với đó, ứng dụng CNTT trong hỗ trợ người dân, DN, triển khai mở rộng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 lên trên 500 thủ tục. TP cũng hoàn thành thí điểm số hóa toàn bộ dữ liệu hồ sơ đăng ký DN trên địa bàn từ năm 1992 đến năm 2016. Triển khai đồng bộ hệ thống quản lý đơn thư, khiếu nại tố cáo tới các sở, ban, ngành và 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn. Đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong quản lý quy hoạch và đất đai. TP đã giao Viện QHXD, Sở TN&MT nghiên cứu công nghệ nâng cấp thành 3D và 4D của khu đất; Cập nhật dữ liệu ngầm, kiến trúc nổi, kiến trúc cây xanh và kiến trúc cảnh quan để thương mại hóa dữ liệu cung cấp dịch vụ cho người dân và DN.

“TP đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đã hoàn thành 80% kế hoạch. Về xây dựng dữ liệu cho cán bộ, công chức, hoàn thành việc xây dựng đề án vị trí việc làm và sắp xếp tổ chức bộ máy. 3 dữ liệu này sẽ làm nền cho Chính phủ điện tử” - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Bước phát triển tiếp theo vượt trội

Những kết quả toàn diện trong năm 2017 là tiền đề vững chắc để Hà Nội bước vào năm bản lề 2018. Với mức tăng trưởng phấn đấu đạt từ 7,3 đến 7,8%, có thể thấy nhiệm vụ đặt ra cho TP trong năm tới là hết sức nặng nề, đòi hỏi tinh thần nỗ lực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị với các giải pháp căn cơ, hiệu quả.

Để tiếp tục phát huy những chuyển biến tích cực trong kỷ cương, kỷ luật công vụ, Hà Nội đã chọn năm 2018 là “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Như Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã nhấn mạnh: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị là phạm vi rất rộng, bao trùm tất cả các chủ thể trong bộ máy quản lý. Các cấp ủy, chính quyền cần tập trung xử lý những bất cập tồn tại nhiều năm qua như: Tình trạng nợ đọng thuế, bảo hiểm xã hội, quản lý quy hoạch, kiến trúc và các vấn đề liên quan môi trường...

Và trong những giải pháp đưa ra, TP cũng xác định sẽ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển DN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Như Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã nói, sau khi Cổng thông tin khởi nghiệp sáng tạo StartupCity để hỗ trợ và tạo mạng lưới kết nối cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo với cộng đồng khởi nghiệp trong nước và quốc tế, đã có 500 Startup và các nhà đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp... tham gia. Thời gian tới, TP sẽ tổng kết các mô hình và kêu gọi các nhà đầu tư, từng bước đưa Cổng thông tin Hệ sinh thái khởi nghiệp trở thành môi trường hữu ích thực sự cho cộng đồng khởi nghiệp của TP.
 Ảnh: Viết Thành.
Hà Nội cũng đặt ra những mục tiêu hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh, phấn đấu số DN thành lập mới tăng 12% trở lên trong năm tới. Riêng về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, TP cũng tiếp tục cải thiện các thành phần để nâng cao chỉ số Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nâng cao hơn nữa năng lực phục vụ, tính công khai minh bạch về thông tin thủ tục hành chính; tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ công chức.

Bên cạnh đó, TP tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các công trình trọng điểm, nhất là các tuyến đường sắt, đường vành đai; thực hiện đồng bộ các giải pháp trong Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông; tiếp tục thực hiện Chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh, cải thiện môi trường, nâng chất lượng sống của người dân…

Lãnh đạo TP cũng khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong điều hành của TP và hỗ trợ người dân, DN. Phấn đấu năm 2018, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 sẽ đạt 60% (1.150 thủ tục); tăng 28% so với năm 2017; riêng mức 4 đạt 9% (tăng thêm 2%)…

Những kết quả đạt được trong năm 2017 đã phản ánh rõ nét nỗ lực, quyết tâm của toàn TP với phong cách lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục đổi mới theo hướng sâu sát, quyết liệt và hiệu quả, đề cao trách nhiệm cá nhân và vai trò nêu gương của người đứng đầu. Với những thành tựu rất đáng tự hào ấy, TP Hà Nội sẽ tự tin bước vào năm 2018 với một tâm thế và sức bật mới.

Năm 2018, phấn đấu đạt cao nhất 20 chỉ tiêu

Năm 2018, TP đặt ra 20 chỉ tiêu cần thực hiện. Trong đó, có những chỉ tiêu quan trọng như mức tăng trưởng kinh tế đạt 7,3 - 7,8%; vốn đầu tư xã hội tăng 10,5 - 11% (theo cách tính mới); giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng 7,5 - 8%; tỷ lệ hộ dân ở khu vực thành thị sử dụng nước sạch đạt xấp xỉ 100%, ở nông thôn đạt 55%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế là 85,3%; tăng thêm 26 xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới; tỷ lệ rác thải thu gom và vận chuyển trong ngày ở khu vực đô thị đạt 98%, ở khu vực nông thôn đạt 88%; tăng thêm 80 trường công lập đạt chuẩn quốc gia..

Đi đầu trong việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Năm 2017, Hà Nội đã hoàn thành xong công tác sắp xếp tổ chức bộ máy 22 sở và tương đương; các phòng chuyên môn tại 30 quận, huyện, thị xã. Sắp xếp xong các đơn vị sự nghiệp thuộc TP, giảm từ 401 đơn vị xuống 280 đơn vị (giảm 30,2%); các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc quyện, huyện giảm từ 206 đơn vị còn 96 đơn vị (giảm 53,4%). Hoàn thành sắp xếp 5 Ban QLDA đầu tư xây dựng chuyên ngành trực thuộc TP: Giảm 73/108 phòng (67,6%); sáp nhập Ban Bồi thường GPMB và Chi nhánh phát triển quỹ đất thành Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc UBND cấp huyện quản lý. Đã chuyển 5 đơn vị sự nghiệp sang tự chủ chi thường xuyên.

An sinh luôn được đảm bảo

Năm 2017, Hà Nội đã triển khai thí điểm lập hồ sơ khám, quản lý sức khỏe điện tử toàn dân, thiết lập được gần 880.000 hồ sơ sức khỏe điện tử. Xây dựng và triển khai Đề án phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến 2025. Xét nghiệm sàng lọc phát hiện sớm ung thư đại trực tràng, miễn phí cho toàn bộ công dân Thủ đô từ 40 tuổi trở lên. Toàn TP giảm được 14.321 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 2,37% đầu năm 2017 xuống còn 1,7% cuối năm 2017, tương đương giảm 0,67% tỷ lệ hộ nghèo, đạt mục tiêu đề ra.