Chiều nay, 23/11, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII tiến hành Hội nghị lần thứ 14 xem xét, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng.
Hoàn thành các mục tiêu tổng quát
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, kinh tế-xã hội năm 2023 cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát, 18/23 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Theo ước tính của UBND TP, GRDP tăng trưởng khá trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn. Ước năm 2023, GRDP tăng 6,11%; đầu tư xã hội tăng 9%, vốn FDI gần 2,9 tỷ USD, tăng 62,0%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trên 10%; lượng khách du lịch trong nước và quốc tế dự kiến vượt mục tiêu đề ra. Có gần 26.500 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 6%).
Thu ngân NSNN trên địa bàn vượt dự toán, đảm bảo cân đối chi ngân sách; tổng thu dự kiến hơn 400 nghìn tỷ đồng, đạt 113,5% dự toán, tăng 20,0% so với năm 2022; tổng chi dự kiến hơn 102 nghìn tỷ đồng, đạt 97,2% dự toán đầu năm (91,1% dự toán điều chỉnh). Kim ngạch xuất khẩu ước 17,3 tỷ USD, tăng 1,0%; Kim ngạch nhập khẩu ước 44,2 tỷ USD, tăng 8,0%...
Công tác quy hoạch và quản lý đô thị được đẩy nhanh tiến độ, nhiều quy hoạch quan trọng được phê duyệt. Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đã xây dựng dự thảo, đang xin ý kiến hoàn thiện. Xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị được quan tâm đầu tư (hoàn thành đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và Cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch; khởi công đường Vành đai 4…).
TP tiếp tục phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư; đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ; hoàn thiện Quy định về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư; đôn đốc tiến độ các dự án cấp nước sạch.
Văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực giáo dục, y tế và tu bổ, tôn tạo di tích dự kiến hết năm 2023 hoàn thành 1.005 công trình (382 cấp TP; 623 cấp huyện); các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội phục hồi mạnh.
Cải cách hành chính, thực hiện chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” được đẩy mạnh. Chỉ số cải cách hành chính PAR-Index 2022 tăng 7 bậc, Chỉ số SIPAS tiếp tục giữ nguyên thứ hạng. Thực hiện tốt công tác tổ chức bộ máy, vị trí việc làm và biên chế; tổ chức triển khai rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, quy trình công tác, quy chế làm việc và phương án phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính tại 11 đơn vị.
Hà Nội đặt mục tiêu GRDP năm 2024 tăng khoảng 6,5-7,0%
Bên cạnh kết quả đạt được, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải, còn một số tồn tại, hạn chế như, có 4/23 chỉ tiêu không đạt kế hoạch; vẫn còn nhiều nhiệm vụ chậm tiến độ; các chỉ số PCI giảm 10 bậc, PAPI giảm 3 bậc so với năm trước; tình trạng thiếu nước sạch tại một số địa phương, khu vực; úng, ngập vẫn xảy ra thường xuyên; tình trạng cháy nổ trên địa bàn TP còn nhiều nguy cơ, đã xảy ra một số vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của....
Vì vậy, Hà Nội đặt ra nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 với mục tiêu tổng quát: Thúc đẩy tăng trưởng gắn với kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của kinh tế Thủ đô; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số; tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế; hạ tầng số và công nghệ số, ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng thành phố thông minh... Tiếp tục thực hiện năm chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo và phát triển”.
TP dự kiến 24 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu, trong đó: GRDP tăng khoảng 6,5-7,0%; CPI dưới 4%; GRDP/người khoảng 160-162 triệu đồng; vốn đầu tư thực hiện tăng 10,5-11,5%; giảm 300-400 số hộ nghèo...
Từ các chỉ tiêu đặt ra, Hà Nội đặt ra 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2024: Bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và các cân đối lớn; cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và trong mỗi nội ngành gắn với ứng dụng khoa học công nghệ.
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; xây dựng chính quyền địa phương tinh gọn và hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; nâng cao thứ hạng các chỉ số PAPI, PCI, PARIndex, SIPAS…
Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế; trong đó tập trung: công nghiệp văn hóa Thủ đô; hạ tầng số và công nghệ số, ứng dụng khoa học và công nghệ, xây dựng thành phố thông minh...
Thực hiện tốt các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hoàn thành Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện Luật Thủ đô sửa đổi và triển khai thực hiện sau khi được duyệt.
Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đảm bảo quốc phòng, quân sự địa phương và trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục thực hiện quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...
Đảm bảo nguồn lực thực hiện chi đầu tư phát triển
Với tình hình thu ngân sách trên địa bàn, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải, ước thu ngân sách địa phương được hưởng theo điều tiết năm 2023 trên 109 nghìn tỷ đồng, đạt 110% dự toán.
Về công tác điều hành tài chính ngân sách, TP đã ban hành Chỉ thị số 24 -CT/TU về việc chấn chỉnh, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật về tài chính – ngân sách nhà nước.
Về thu ngân sách, TP tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các giải pháp pháp tăng cường quản lý thu, đôn đốc thu hồi nợ thuế, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thu ngân sách; triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn, miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, góp phần đẩy nhanh tiến độ thu tiền sử dụng đất.
Về chi ngân sách, TP đảm bảo nguồn lực thực hiện chi đầu tư phát triển và kinh phí cho các cấp các ngành thực hiện nhiệm vụ được giao theo kế hoạch. Trong đó, ưu tiên nguồn lực cho các dự án trọng điểm như đường Vành đai 4, các dự án giao thông, dự án thuộc kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực (y tế, di tích và giáo dục)...; đẩy mạnh giải pháp đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Xây dựng và trình HĐND TP ban hành kịp thời các chính sách phục vụ các nhiệm vụ chính trị, đảm bảo an sinh xã hội; ban hành quy định giá dịch vụ giáo dục tạm thời để thực hiện thí điểm đặt hàng đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập; điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn TP.
Về dự toán thu, chi ngân sách năm 2024, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, thu NSNN trên địa bàn đạt 408.547 tỷ đồng, cao hơn dự toán Thủ tướng Chính phủ giao 17 tỷ đồng, tăng 2% so với ước thực hiện năm 2023.
Thu ngân sách địa phương đạt 145.253 tỷ đồng, trong đó, thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp: 128.994 tỷ đồng, cao hơn dự toán Thủ tướng Chính phủ giao 17 tỷ đồng từ nguồn thu viện trợ; Thu bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương là 9.758 tỷ đồng; Thu từ nguồn cải cách tiền lương còn dư năm trước chuyển sang: 6.500 tỷ đồng.
Chi ngân sách địa phương là 146.429 tỷ đồng, tăng 17 tỷ đồng so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao do tăng chi thường xuyên từ nguồn thu viện trợ không hoàn lại.
Dự toán chi ngân sách cấp Thành phố năm 2024 là 98.680 tỷ đồng, tăng 38,6% so với dự toán năm 2023.
Đối với một số vấn đề cụ thể xin ý kiến, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải đề xuất mức huy động tối đa cho đầu tư phát triển năm 2024 là 8.050,7 tỷ đồng. Đồng thời, cho phép sử dụng 6.500 tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư theo cơ chế tài chính đặc thù quy định tại Nghị quyết 115/2020/QH14 và chưa huy động nguồn vay trong nước theo hạn mức Thủ tướng Chính phủ giao 6.500 tỷ đồng.
Thực hiện cơ chế thưởng cho ngân sách các quận, huyện, thị xã tối đa 30% số thu thuế, phí, lệ phí được điều tiết về ngân sách cấp TP hưởng
Sử dụng một phần nguồn cải cách tiền lương còn dư của 10 quận, huyện để bố trí chi đầu tư phát triển 5.035 tỷ đồng theo quy định tại Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội.
Hỗ trợ chi thường xuyên cho các Ban Quản lý dự án TP, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội không đủ nguồn tài chính để thực hiện chính sách tinh giản biên chế Hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi để thực hiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, xã hội.
Đề xuất giao bổ sung dự toán thu, chi từ nguồn thu phí năm 2023 cho Sở Xây dựng thực hiện do quy định về các khoản thu phí này mới được ban hành trong năm 2023.
Hỗ trợ giá nước từ ngân sách địa phương cho hoạt động cấp nước sạch tại một số địa bàn khó khăn (thị trấn Chi Đông và Quang Minh, huyện Mê Linh) và người dân khu vực ảnh hưởng ô nhiễm môi trường tại các khu xử lý rác thải theo quy định tại Thông tư số 44/2021/TT-BTC ngày 18/6/2021 của Bộ Tài chính.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, dự kiến thu ngân sách của TP 3 năm giai đoạn 2024-2026 khoảng 1.245.149 tỷ đồng, trong đó: Thu nội địa là 1.153.004 tỷ đồng, chiếm 92,6% tổng thu NSNN trên địa bàn, trong đó: Thu tiền sử dụng đất là 104.535 tỷ đồng; Thu từ dầu thô là 7.000 tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng thu NSNN trên địa bàn; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 85.115 tỷ đồng, chiếm 6,8% tổng thu NSNN trên địa bàn; Thu viện trợ không hoàn lại là 29 tỷ đồng.
Dự kiến tổng chi ngân sách 3 năm (2024-2026) là 495.153 tỷ đồng (chi cân đối ngân sách địa phương là 463.283 tỷ đồng), trong đó dự kiến Chi đầu tư phát triển là 286.572 tỷ đồng; Chi thường xuyên là 180.834 tỷ đồng; Dự kiến bội chi ngân sách TP cả giai đoạn 2024-2026 là 60.734 tỷ đồng. Mức bội chi và mức vay còn phụ thuộc vào hạn mức Quốc hội quyết định cho địa phương hàng năm.