Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội, Việt Nam: An toàn và hấp dẫn

Hương Thảo - Linh Phạm - Đỗ Hương (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Song song với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế những năm qua, Hà Nội đã nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tạo cơ hội bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế và thu hút dòng vốn nước ngoài. Nỗ lực ấy đã tạo nên một điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn - Hà Nội!

 
Ông James Borton, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu người Mỹ, học giả University Science Diplomacy Center: Ghi nhận sự chuyển mình mạnh mẽ
Là nhà văn và nhà nghiên cứu, người đã viết về Việt Nam hơn 20 năm qua, tôi đã chứng kiến những cải cách mạnh mẽ liên quan đến công cuộc “Đổi Mới”. Với tư cách Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, Việt Nam đã sẵn sàng chào đón nhà đầu tư nước ngoài.
Cùng với thành công trong kiềm chế đại dịch Covid-19, không nghi ngờ gì nữa, Việt Nam nhận được sự tin tưởng to lớn của cộng đồng DN ngoại. Niềm tin đó sẽ hiện thực hóa qua dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mới, giúp Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế sớm phục hồi sau tác động của dịch bệnh.
Bằng chứng là có nhiều công ty xuyên quốc gia lên kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, mở ra cơ hội trở thành điểm đầu tư an toàn, hấp dẫn.
 
Trưởng Đại diện, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam Marko Walde: EVFTA và EVIPA là những cơ hội cho doanh nghiệp 2 bên
Theo quan điểm của chúng tôi, về lâu dài Việt Nam và Hà Nội cần thiết lập một khung pháp lý và chính sách kinh tế ổn định và đáng tin cậy để hỗ trợ các DN, địa phương và quốc tế. Đặc biệt, TP Hà Nội cần phát triển các dự án giáo dục và đào tạo nghề kép theo định hướng thực tế để có được lực lượng lao động có tay nghề cao và hỗ trợ các DN địa phương nâng cao năng lực công nghệ cũng như lợi thế cạnh tranh. Hà Nội cần tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng chung cũng như tiến hành một nền tảng phù hợp để trao đổi kinh nghiệm và đối thoại trực tiếp giữa chính quyền và DN cũng như giữa địa phương và quốc tế.
Chúng tôi hy vọng về lâu dài, một khi EVFTA và EVIPA có hiệu lực, các nhà đầu sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho Hà Nội và các tỉnh khác của Việt Nam. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng sẽ có nhiều dòng vốn FDI cho các dự án có giá trị cao vào Việt Nam, trong dài hạn, bao gồm cả từ Đức. Các nhà đầu tư Đức sẽ mang công nghệ nổi tiếng của họ trong quản lý và đào tạo đến Việt Nam, cho phép sản xuất nhiều giá trị gia tăng, ít lãng phí vật liệu và tài nguyên.
 
Cố vấn cấp cao khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Business Finland Vietnam Kinh Phạm: Sẵn sàng cho những dự án thành phố thông minh
Nhìn chung, Việt Nam đang là một trong những thị trường xây dựng năng động nhất thế giới với mức tăng trưởng trung bình 8,5% CAGR trong thập kỷ qua. Đầu tư nước ngoài vào bất động sản tăng đáng kể trong vài năm trở lại đây, đặc biệt tại Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trước hết là nhờ việc nới lỏng các quy định sở hữu nước ngoài vào năm 2017.
Tính riêng tại Hà Nội, nhu cầu về nhà ở mới vào khoảng 4,7 triệu m2 mỗi năm, khi tầng lớp trung lưu tăng nhanh, dự kiến sẽ đạt mốc 95 triệu trên cả nước vào năm 2030. Trong đó, xu hướng phát triển của các TP lớn ở Việt Nam chủ yếu là mô hình “Thành phố trong thành phố”, là các dự án tư nhân rộng hàng chục ha, với hàng nghìn căn hộ, nhà ở. Các dự án này bao gồm trường học, bệnh viện, trung tâm mua sắm, giải trí, thể thao, bể bơi, công viên… và hầu hết tập trung đầu tư vào công nghệ đô thị thông minh, mở ra cơ hội lớn trong lĩnh vực này.
Các công ty của Phần Lan hoàn toàn có thể đáp ứng được những giải pháp mà 2 dự án nói trên đang tìm kiếm, như vấn đề bảo mật thông minh, quản lý thông minh, cộng đồng thông minh…
Tham tán thứ nhất, Phòng Kinh tế - Chính trị, Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam Grzegorz Rybarski: Kinh tế Việt Nam phát triển ấn tượng
Đối với Ba Lan và các nước châu Âu khác, Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) là công cụ quan trọng nhất để thúc đẩy hợp tác kinh tế lẫn nhau. EVFTA là dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ bền chặt và hiệu quả của chúng tôi mà chúng tôi đã tận hưởng trong nhiều năm. Đây là một ví dụ rất hay về mối quan hệ cùng có lợi, hợp nhất các lĩnh vực hợp tác hiện có và mở ra những quan điểm mới.
Mối quan hệ Việt Nam – Ba Lan trong suốt 70 năm qua vô cùng bền chặt. Chúng tôi coi Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng và hứa hẹn nhất ở Đông Nam Á. Trong khi nền kinh tế Ba Lan nằm trong số phát triển nhanh nhất châu Âu. Do vậy, chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng thương mại hai chiều sẽ tăng mạnh so với mức 3,2 tỷ đô la vào năm 2019.
Đặc biệt, ở Ba Lan có một cộng đồng người Việt lớn mạnh và lượng lớn sinh viên Việt Nam, nhiều người trong số đó ở Hà Nội, tốt nghiệp các trường đại học Ba Lan, đã đóng góp tích cực vào mối quan hệ song phương, đặc biệt hợp tác khoa học và kinh doanh.
Môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã được cải thiện nhiều, tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài vẫn trông đợi sự thay đổi tích cực hơn. Chúng tôi tin rằng việc triển khai EVFTA sẽ mang lại sự đối xử bình đẳng cho các công ty nước ngoài đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.
Một khuyến nghị khác là cải thiện cơ sở hạ tầng dù thời gian gần đây đã thay đổi rõ rệt. Vấn đề quan trọng nhất là phát triển cơ sở hạ tầng cần đi đôi với bảo vệ môi trường.
Nâng cao trình độ quản lý và lực lượng lao động cũng là yếu tố vô cùng quan trọng. Điều này sẽ bắt đầu từ nền tảng giáo dục, các trường đại học Ba Lan sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các đối tác Việt Nam trong học thuật cũng như quản trị kinh doanh.
 
Trưởng phòng Marketing, JLL Vietnam Phạm Xuân: Quan tâm hơn đến không gian sống của cộng đồng
Là một trong những TP lớn mới nổi, quá trình đô thị hóa tại Hà Nội đang không ngừng chuyển biến. Không chỉ thay đổi về kiến trúc mà còn tăng trưởng về kinh tế và xã hội trên cả nước, dẫn đến sự thay đổi trong lối sống đô thị tại Việt Nam và tiếp đến là sự cần thiết của những không gian xanh bên trong TP.
Không giống như các TP cổ Châu Âu, Hà Nội hiện vẫn chưa có những quảng trường có sức chứa lớn, chưa có nhiều công viên công cộng và chủ yếu các không gian này chỉ tập trung ở trung tâm TP. Trong khi đó, TP đang chú trọng đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng như sân bay, đường cao tốc hay khu công nghiệp, những mảng xanh vẫn còn chưa được đồng bộ hoặc chỉ mới đi vào hoạt động.
Những vấn đề toàn cầu như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và sự bùng nổ dân số đang ngày càng gia tăng trên diện rộng. Chính vì vậy, chính quyền và người dân đang dần nhận thấy tầm quan trọng của việc gia tăng mảng xanh cho đô thị, chắc chắn sẽ cần rất nhiều sự nỗ lực các bên để có thể xây dựng một TP toàn cầu thực sự.
Việc hình thành những mảng xanh chỉ mới bắt đầu, TP cần nhiều hơn sự tham gia từ người dân và nổ lực từ phía chính phủ để có thể đạt được những mục tiêu đã đề ra. Những lợi ích này hứa hẹn sẽ mang lại nhiều sự thay đổi đáng kể trong tương lai, tạo ra cảnh quan và môi trường sống của người dân đô thị sẽ ngày càng văn minh và tiến bộ hơn. Đây là hướng đi mà Hà Nội cần quan tâm nhằm tạo không gian và cảnh quan sống tốt hơn cho người dân cũng như tạo sự phát triển bền vững.
Đối với những dự án bất động sản trong tương lai, yếu tố “bền vững” sẽ không chỉ là một xu hướng mà còn là một yếu tố quan trọng “nhất định phải có” trong dự án.
 
Đại sứ Na Uy Grete Lochen: Công nghệ cao luôn là lĩnh vực ưu tiên
Tháng 5/2019, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang thăm chính thức Na Uy và đã gặp gỡ một số công ty và tập đoàn hàng đầu của Na Uy để thảo luận cơ hội đầu tư. Công nghệ môi trường, thành phố thông minh, năng lượng sạch... là các chủ đề hai bên đã trao đổi. Sau Covid-19, những lĩnh vực này sẽ trở nên quan trọng hơn.
Covid-19 cho thấy vai trò của các nền tảng số trong các lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, tài chính. Đây cũng là lĩnh vực mà các DN Na Uy có nhiều thế mạnh. Tôi tin rằng, khi Việt Nam mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế, các công ty Na Uy sẽ sớm đến với Việt Nam và Hà Nội.
Covid-19 không chỉ tác động tới nền kinh tế Việt Nam mà cả nền kinh tế toàn cầu. Cần thừa nhận rằng, đại dịch vẫn chưa kết thúc. Ở nhiều nước, tỷ lệ người mắc vẫn tăng. Thách thức đối với mỗi quốc gia là làm sao vừa ngăn chặn được sự lây lan của virus vừa phải mở cửa trở lại nền kinh tế. Tóm lại là thế giới cần phải học cách sống chung với virus cho tới khi chúng ta tìm ra một loại vaccine cho tất cả mọi người.
Tôi thiết nghĩ, chúng ta cần duy trì trạng thái bình thường mới chứ không phải như trước đây. Các DN, nhà đầu tư cũng vậy. Covid-19 đã làm gia tăng một số xu hướng toàn cầu như bảo hộ, số hóa... Một cơ chế thương mại quốc tế theo luật lệ và các cơ hội đầu tư kinh doanh bền vững có ỹ nghĩa rất quan trọng.
Khi quyết định đầu tư, các nhà đầu tư luôn cân nhắc một số tiêu chí quan trọng (1) sự ổn định về chính trị, (2) môi trường đầu tư thuận lợi với các khung thể chế và chính sách nhất quán, dễ đoán định, (3) thông tin minh bạch, dễ tiếp cận, (4) thủ tục hành chính đơn giản, và (5) lao động có trình độ. Việc kiểm soát thành công dịch bệnh cũng là một lợi thế của Việt Nam và Hà Nội trong thu hút đầu tư nước ngoài. Đây vẫn là những địa chỉ đầu tư an toàn và ổn định.
Tuy nhiên, cách thức thu hút đầu tư nước ngoài hậu Covid-19 cũng sẽ khác với phương thức truyền thống. Đầu tiên, Việt Nam phải mở cửa lại biên giới của mình để các DN có thể vào làm ăn đầu tư. Bên cạnh đó, các ưu đãi đầu tư phải cụ thể, đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư, và phù hợp với nhu cầu phát triển khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam. Đây là thời điểm cần chú trọng tới mục tiêu đầu tư xanh hơn và sạch hơn để giải quyết những thách thức của TP như ô nhiễm môi trường và đảm bảo sự phát triển bền vững.