Hội thi nhằm phát hiện, công nhận, tôn vinh giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi và nhân rộng những điển hình tiên tiến; tạo động lực cho giáo viên rèn luyện, phấn đấu, tự học, tự sáng tạo, hoàn thiện bản thân.
Cùng với đó, hội thi còn góp phần nâng cao hiệu quả sinh hoạt chuyên môn và đẩy mạnh các phong trào thi đua dạy - học trong trường học; giúp các cấp quản lý đánh giá năng lực đội ngũ; từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị bảo đảm chất lượng dạy học.
Mỗi giáo viên tham dự hội thi thực hiện 2 nội dung, gồm: thực hành một tiết dạy (hoặc một tiết tổ chức hoạt động giáo dục) và trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy (đối với giáo viên dự thi giáo viên dạy giỏi), công tác chủ nhiệm lớp (đối với giáo viên dự thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi).
Ở cấp cơ sở, hội thi thu hút 100% trường học tham gia; gắn với Hội giảng chào mừng 70 năm thành lập ngành GD&ĐT Thủ đô. Tổng số giáo viên tham gia dự thi cấp trường chiếm tỷ lệ 60,59% giáo viên tiểu học toàn TP. Kết quả, 16.898 giáo viên được công nhận danh hiệu Giáo viên dạy giỏi, Giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường.
Tại cấp quận, huyện, thị xã có 2.081 giáo viên (98,9%) được công nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi. Kết thúc vòng thi này, 150 giáo viên đã lọt vòng thi cấp TP.
Ban Tổ chức nhận định, hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học TP Hà Nội năm nay có nhiều điểm mới; lần đầu tiên tổ chức thi giáo viên dạy giỏi môn tin học. Ngoài ra, thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi có nội dung tổ chức hoạt động trải nghiệm theo chủ đề, tích hợp giáo dục địa phương TP Hà Nội.
Hoạt động dạy và học tại hội thi nhìn chung được thiết kế tường minh, khoa học, rõ ràng, nhiều ý tưởng sáng tạo, chú trọng đến tâm sinh lý lứa tuổi, liên kết chặt chẽ với các vấn đề thực tiễn nhằm giúp học sinh hình thành tư duy, thái độ tích cực.
Các giáo viên tham gia dự thi phối kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp, kỹ thuật dạy học và hình thức tổ chức phù hợp với đặc trưng môn học... Đặc biệt, hầu hết các giáo viên đã sử dụng AI để tạo hình ảnh, đoạn nhạc, đoạn thơ, video, đoạn phim… giúp việc truyền tải sinh động, gần gũi. Nhờ đó, học sinh tham gia học tập chủ động, tích cực, tự giác, sáng tạo.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương chúc mừng thành công của hội thi cũng như thành tích của 150 thầy cô đã đạt được.
Để tiếp tục thực hiện đổi mới toàn diện, căn bản sự nghiệp GD&ĐT; nâng cao công tác dạy và học, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị các nhà trường, đơn vị cơ sở giáo dục, nhà quản lý và thầy cô giáo không ngừng trau dồi, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn. Các thầy cô tích cực phát huy năng lực, trở thành nòng cốt, hạt nhân góp phần nâng cao hiệu quả phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm”. Phòng GD&ĐT, nhà trường nghiên cứu, tổ chức chuyên đề để lan tỏa các tiết dạy, phần dự thi của thầy cô tại hội thi.
“Các đơn vị giáo dục cần tận dụng sức mạnh của công nghệ thông tin, đăng tải các video tiết dạy, phần dự thi xuất sắc lên Cổng thông tin và fanpage của đơn vị để không chỉ các thầy giáo cô giáo mà cả phụ huynh, học sinh cũng có thể tham khảo, học hỏi” - Giám đốc Sở GD&ĐT đề nghị.
Theo Giám đốc Sở, GD&ĐT Hà Nội, kết quả hội thi là một trong những cơ sở quan trọng để đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên và thực hiện các chính sách hỗ trợ phù hợp. Các thầy cô giáo đạt giải cần tiếp tục phát huy năng lực, lan tỏa kinh nghiệm, góp phần xây dựng đội ngũ, phấn đấu phát triển sự nghiệp GD&ĐT trong Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Sở GD&ĐT Hà Nội đã trao khen thưởng cho các Phòng GD&ĐT vì tích cực tham gia công tác tổ chức hội thi; vinh danh, khen thưởng 150 thầy cô giáo đạt giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích tại hội thi.