15 năm kể từ dấu mốc ngày 1/8/2008, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12, ngày 29/5/2008 của Quốc hội “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh liên quan”, 15 năm chỉ là một chặng đường ngắn so với lịch sử phát triển của Thủ đô, nhưng đây là một giai đoạn đặc biệt quan trọng trong hành trình đầy tự hào trên con đường xây dựng, phát triển Thủ đô.
Quyết định lịch sử này đã tạo dựng thế và lực mới cho Hà Nội cùng cả nước tiến bước mạnh mẽ, tự tin trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Và 15 năm qua, Hà Nội đã thực hiện tốt Nghị quyết, tạo ra những thay đổi lớn lao từ tầm vóc, diện mạo, quy mô đến nhịp độ cuộc sống...
Từ một đô thị quy mô 921,8km2, sau mở rộng, diện tích Hà Nội tăng gấp 3,6 lần, dân số tăng gấp 1,8 lần, đã mở ra những những điều kiện địa lý, nguồn lực, tiềm năng to lớn hơn... Thực tế cũng đã chứng minh, nếu không có chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Hà Nội ngày nay sẽ không có không gian đủ tầm để phát triển với những mục tiêu xa hơn, cao hơn. Nhưng những ngày đầu, thuận lợi, cơ hội - lúc đó chỉ là triển vọng, phải phấn đấu quyết liệt, bài bản mới có được; còn khó khăn chính là thực tế.
Trên hành trình phát triển, Hà Nội phải đối diện với những thách thức, thậm chí có nhiều thử thách chưa từng có trong tiền lệ, phải tập trung giải quyết hàng loạt công việc từ sắp xếp tổ chức bộ máy; rà soát, đồng bộ hóa các cơ chế chính sách, đến khớp nối các quy hoạch, dự án, tạo hành lang pháp lý thống nhất; giải quyết ngay những vấn đề dân sinh để từng bước khắc phục khoảng cách phát triển giữa các vùng miền...
Đứng trước những nhiệm vụ mới cũng gắn liền với những nguồn lực mới, với phương châm “đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm”, trên tinh thần vì việc chung, TP Hà Nội đã “cân đong, đo đếm, tiên lượng” thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội một cách thận trọng, bài bản để có được kết quả đáng tự hào của hôm nay.
Ngắm nhìn toàn cảnh Hà Nội, mỗi người đều cảm nhận rõ sự phát triển vượt bậc trong từng lĩnh vực. Hà Nội hôm nay không chỉ trở thành một trung tâm kinh tế trọng điểm, mà còn là nơi khởi nghiệp của nhiều giá trị tinh hoa trong nước và quốc tế, thu hút nhiều tập đoàn, nhà đầu tư danh tiếng hàng đầu thế giới, là động lực tăng trưởng quan trọng trong tiến trình hội nhập và toàn cầu hóa của cả nước.
Hà Nội hôm nay cũng đang hiện hữu một diện mạo đô thị xanh, văn minh, hiện đại với những cây cầu kiêu hãnh vượt sông Hồng, sông Đà; những tuyến đường rộng dài xanh sắc màu cây; những khu đô thị, công trình mới rộng lớn. Sự phát triển mang tính bứt phá cũng xóa nhòa dần đi những hình ảnh khó khăn của những vùng nông thôn xa, vùng miền núi. Hà Nội đã trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới với 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn.
Một vùng nông thôn chuyển mình và phát triển rõ nét theo hướng ngày một văn minh, hiện đại, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Tính chung thu nhập bình quân đầu người toàn TP năm 2022 đạt 141,8 triệu đồng - khoảng 5.950 USD, gấp 1,45 lần cả nước (khoảng 4.110 USD) và gấp 3,5- 3,8 lần so với năm 2008 (37,4 triệu đồng - khoảng 1.697 USD).
Nhìn lại chặng đường đã qua với những miệt mài vượt khó, càng thêm tự hào và trân quý những thành tựu toàn diện của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã đạt được. So với Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, mặc dù Hà Nội chỉ bằng 21,2% và 1% tương ứng về diện tích, 41,7% và 8,1% về dân số nhưng đóng góp tương ứng 47,46% và 12,59% về GRDP, 52,48% và 17,07% về thu ngân sách Nhà nước.
Những con số ấy càng khẳng định mạnh mẽ tính đúng đắn và tầm vóc quyết sách lịch sử của Đảng, Nhà nước; khắc họa rõ nét hơn động lực và niềm tin trong phát triển của một Hà Nội bề thế, rộng lớn. Sau 15 năm, Hà Nội không những khẳng định tầm vóc mới, tâm thế mới, mà còn chủ động định hình con đường tương lai rộng mở cho những bước phát triển to lớn hơn, trở thành thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế.