Năm 2023, 100% người dân có tài khoản trên Cổng dịch vụ công
Kế hoạch nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án 06 của Chính phủ với quyết tâm chính trị cao, xuyên suốt từ cấp TP tới cơ sở; tích cực, chủ động triển khai 38 nhiệm vụ của TP trong năm 2023 bảo đảm thiết thực, hiệu quả, góp phần hoàn thành sớm nhiệm vụ xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, thực hiện có hiệu quả Đề án 06 với tinh thần năm 2023 là “Năm dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”.
TP xác định việc triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, ngành, địa phương trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của toàn dân, sức mạnh của cả hệ thống chính trị; nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm; dễ làm trước, khó làm sau, từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp, bảo đảm phương châm dữ liệu phải “đúng, đủ, sạch, sống”, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
Các cấp, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả, chất lượng cung cấp và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi nhất cho người dân, DN tham gia thực hiện. Đẩy mạnh các tiện ích phục vụ phát triển công dân số, tăng cường nghiên cứu ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân gắn chip, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Về nhiệm vụ chung của TP giao các sở, ngành chủ trì, phối hợp thực hiện gồm 7 nhóm với 23 nhiệm vụ cụ thể. Đáng chú ý, trong năm 2023, UBND TP sẽ trình HĐND TP Hà Nội có chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến để khuyến khích người dân, DN tham gia thực hiện.
Bên cạnh đó, TP đề ra nhiệm vụ trong năm 2023 nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm 100% người dân có tài khoản trên Cổng dịch vụ công và tối thiểu 50% hồ sơ phát sinh được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến; 100% công dân được cấp chữ ký số miễn phí phục vụ thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và các giao dịch trên môi trường điện tử.
Tối thiểu 20% thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến dân cư được cắt giảm, đơn giản hóa so với thời điểm ban hành Đề án 06; 100% hồ sơ về dân cư được tạo, lưu trữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định; 80% hồ sơ công việc liên quan đến quản lý dân cư tại cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.
9/25 dịch vụ công thiết yếu giải quyết hoàn toàn trực tuyến
Tính đến hết năm 2022, TP Hà Nội đã hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo đúng lộ trình của Đề án 06 (đạt 100%). Trong đó, dịch vụ công có số hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến cao nhất trong năm 2022 là nhóm cư trú; thấp nhất là dịch vụ công “Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận”. Có 9/25 DVCTT được tiếp nhận và giải quyết hoàn toàn trực tuyến, không có hồ sơ tiếp nhận trực tiếp.
Đặc biệt, TP Hà Nội đã tập trung tổ chức các chiến dịch “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để hướng dẫn và hỗ trợ công dân trong quá trình thực hiện các dịch vụ công và lợi ích của việc sử dụng và đăng ký xác thực định danh điện tử cũng như các lợi ích của việc khai thác, chia sẻ dữ liệu dân cư từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Đề án 06 Chính phủ; 100% quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP đã xây dựng và triển khai các mô hình để hỗ trợ người dân tiếp cận và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
Các đơn vị trên địa bàn đã có những biện pháp, cách thức sáng tạo như đã thành lập các “Tổ cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà”; các mô hình “Ngày thứ Sáu xanh”, “Ngày thứ Ba không viết”, “Ngày thứ Bảy tình nguyện hỗ trợ Nhân dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến”, “Điểm hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính 24/24”…