Nguy cơ về dịch bệnh ở mức rất cao và khó lường
Tại Hà Nội, từ ngày 29/4 đến nay ghi nhận 82 ca mắc ngoài cộng đồng tại 17 quận, huyện. Cụ thể, chùm ca bệnh liên quan đến TP Đà Nẵng: có 28 F0; 855 F1 (trong đó 21 F1 đã chuyển thành F0) chia thành các phân nhánh.
Phân nhánh 1 liên quan đến ca mắc BN3092 (L.V.C): có 14 F0 tại Thường Tín (13), Ba Đình (1); có 549 F1 (trong đó 12 F1 đã chuyển thành F0). Phân nhánh này đã được kiểm soát, từ ngày 12/5 không ghi nhận bệnh nhân mới.
Phân nhánh 2 liên quan đến ca mắc BN3634 (N.V.T): có 8 F0 tại Thanh Xuân (3), Hà Đông (2), Nam Từ Liêm (1), Hoàng Mai (1), Ba Đình (1); 288 F1 (trong đó 5 F1 đã chuyển thành F0). Ngày 17/5 vẫn ghi nhận 2 ca mắc mới (F0) tại phân nhánh này là F1 đã được cách ly tập trung.
Phân nhánh 3 liên quan đến ca mắc BN3777 (T.N.T): có 6 F0 tại Thanh Xuân (3), Hoàng Mai (1), Bắc Từ Liêm (2); 18 F1 (trong đó 4 F1 đã chuyển thành F0). Ngày 17/5 ghi nhận 1 ca mắc mới (F0) là F1 đã được cách ly tập trung.
Liên quan tới phân nhánh này ghi nhận 3 F0 trong Bệnh viện Phổi Trung ương. BV Phổi Trung ương đã xét nghiệm cho toàn bộ nhân viên, người bệnh, người nhà người bệnh (2.010 người), ngoài 3 F0 trên, tất cả các mẫu đều âm tính.
Đối với chùm ca bệnh liên quan đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở Đông Anh, có 89 ca mắc, trong đó, phát hiện trong bệnh viện 72 ca (10 ca của Hà Nội, 62 ca của các địa phương khác). Phát hiện ngoài cộng đồng 17 ca (Phúc Thọ 8, Đông Anh 7, Sóc Sơn 1, Đan Phượng 1). Chùm này vẫn còn nguy cơ vì trong các ngày qua vẫn ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng.
Đối với chùm ca bệnh liên quan đến Bệnh viện K cơ sở Tân Triều: Trong bệnh viện có 54 ca mắc, trong đó, 14 ca của Hà Nội, 40 ca của các địa phương khác đang được cách ly điều trị trong bệnh viện. Ngoài cộng đồng có 7 ca liên quan (Hà Đông 2, Gia Lâm 1, Thanh Xuân 1, Hai Bà Trưng 1, Đống Đa 1, Thanh Trì 1).
Tình hình dịch bệnh tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều vẫn có nguy cơ rất cao. Trong những ngày qua, liên tiếp ghi nhân thêm các ca mắc mới có liên quan đến chùm ca bệnh này.
Đặc biệt khi phát hiện các ca dương tính trong khu cách ly tập trung cho người bệnh và người nhà người bệnh tại quận Nam Từ Liêm, Sở Y tế đã yêu cầu khẩn trương chuyển các đối tượng trên đến cách ly tại bệnh viện (hiện nay theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Bệnh viện K đã chuyển một số bệnh nhân và người nhà về Bệnh viện dã chiến Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương).
Đối với chùm ca bệnh liên quan đến tỉnh Hưng Yên, có 5 F0 (4 tại Công ty Sland và 1 tại xã Hiền Giang, huyện Thường Tín); có 34 F1 (kết quả xét nghiệm 16 âm tính, 18 chưa có kết quả). Ngày 17/5 vẫn tiếp tục ghi nhận 1 ca mắc mới ngoài cộng đồng tại xã Hiền Giang.
Đối với chùm ca bệnh liên quan đến tỉnh Bắc Ninh, có 15 F0 (Gia Lâm 9, Hà Đông 3, Hai Bà Trưng 2, Thanh Oai 1); 220 F1 (trong đó 07 F1 đã chuyển thành F0). Chùm ca bệnh này đã được kiểm soát, từ ngày 14/5 không ghi nhận bệnh nhân mới.
Đối với chùm ca bệnh liên quan đến chuyến bay VN160 ngày 29/4: có 5 F0 (Hoàn Kiếm 2, Sóc Sơn 2, Nam Từ Liêm 1); 65 F1 (trong đó 01 F1 đã chuyển thành F0). Chùm ca bệnh này đã được kiểm soát, từ ngày 14/5 không ghi nhận bệnh nhân mới.
Đối với các chùm ca bệnh liên quan đến tỉnh Hà Nam, Vĩnh Phúc và liên quan ca bệnh người Ấn Độ tại Times City, có 5 F0. Các chùm ca bệnh này đã được kiểm soát, từ ngày 7/5 không ghi nhận bệnh nhân mới.
Theo Ban chỉ đạo, mặc dù Hà Nội vẫn đang kiểm soát dịch bệnh, tuy nhiên nguy cơ về dịch bệnh đối với Thành phố vẫn ở mức rất cao và khó lường. Cụ thể, trong những ngày qua tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc liên quan đến Đà Nẵng, theo số liệu của tổ truy vết có khoảng gần 20.000 trường hợp từ Đà Nẵng về Hà Nội, đến nay qua công tác rà soát và sự khai báo y tế của người dân đã thống kê được 10.190 người.
Ổ dịch từ bệnh viện K cơ sở Tân Triều và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 tuy đã được phong tỏa nhưng nguy cơ vẫn cao do vẫn tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới trong bệnh viện và ca liên quan tại các địa phương.
Đặc biệt hiện nay tình hình dịch tại các tỉnh lân cận như Bắc Giang và Bắc Ninh diễn biến hết sức phức tạp (Bắc Giang 336 ca, Bắc Ninh 252 ca), một số khu công nghiệp của 2 tỉnh này liên tục ghi nhận số ca mắc cao; các tỉnh này lại giáp Hà Nội, có nhiều công nhân làm việc tại đây nhưng lại sinh sống và cư trú trên địa bàn Hà Nội. Đây là nguồn nguy cơ cao đối với Hà Nội.
Xử lý triệt để các ổ dịch phát sinh trong thời gian ngắn nhất
Thời gian tới, Ban Chỉ đạo yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, UBND Thành phố đặc biệt là Thông báo 290-TB/TU ngày 10/5/2021 của Thành ủy, Chỉ thị 11, Chỉ thị 12, Công điện số 08 của UBND Thành phố.
Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP Hà Nội họp giao ban dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo |
Các đơn vị phải thường trực 24/24/7, luôn sẵn sàng để ngay lập tức có thể kích hoạt các biện pháp bao vây khoanh vùng xử lý dịch. Khi phát hiện ra ca bệnh, ổ dịch cần khẩn trương, thần tốc truy vết đến cùng, lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tuyệt đối các trường hợp F1, quản lý nghiêm ngặt các trường hợp F2 theo quy định nhằm xử lý triệt để các ổ dịch phát sinh trong thời gian ngắn nhất.
Ưu tiên và tăng cường hơn nữa cho công tác xét nghiệm theo tinh thần là “cần chủ động tấn công” mà chủ động tấn công là phải xét nghiệm chủ động, xét nghiệm tích cực hơn nữa...
Tiếp tục tổ chức xét nghiệm sàng lọc cho những người trở về từ các khu vực có dịch tại các tỉnh thành phố; trong đó lưu ý người về từ các tỉnh thành có dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như Bắc Giang, Bắc Ninh...
Quản lý chặt chẽ những người làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất của các tỉnh lân cận nhưng lưu trú trên địa bàn Hà Nội.
Tiếp tục thắt chặt các biện pháp phòng chống dịch trong các cơ sở khám chữa bệnh. Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, để chủ động xét nghiệm cho nhân viên y tế và người bệnh, các bệnh viện có từ 300 giường bệnh trở lên phải có ít nhất 1 hệ thống xét nghiệm Realtime PCR.
Siết chặt việc quản lý các khu cách ly tập trung, đặc biệt là cách ly F1, tuyệt đối không để lây chéo trong khu cách ly tập trung và lây từ khu cách ly ra cộng đồng. Nếu để xảy ra việc lây nhiễm chéo đơn vị Thường trực quản lý khu cách ly phải chịu trách nhiệm.
Phân cấp cho các quận, huyện, thị xã chủ động ra quyết định thành lập các khu cách ly tập trung trên địa bàn để có thể tiếp nhận cách ly tối thiểu cho 1.000 người; một số quận nội thành không thể bố trí được, có văn bản báo cáo với BCĐ Thành phố để xem xét giải quyết.