Thời điểm này, các DN ở Hà Tĩnh đang tập trung thi đua sản xuất, kinh doanh, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch ngay từ những tháng đầu của năm 2023. Khí thế lao động, sản xuất cho thấy các DN hoạt động ổn định, tiếp tục phấn đấu duy trì đà tăng trưởng.
Tại Công ty CP Bao bì Sông La Xanh ở Cụm công nghiệp huyện Đức Thọ, gần 400 kỹ sư, công nhân lao động vẫn hăng say làm việc, quyết tâm tạo ra những sản phẩm chất lượng, phục vụ các đơn hàng xuất khẩu đầu năm.
“Sau hơn 6 tháng làm việc tại công ty, lương bình quân đạt khoảng 7 triệu đồng/1 tháng, các quyền lợi của người lao động được thực hiện đầy đủ. Đây là điều kiện tốt để tôi yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài” - chị Hồ Thị Mỹ, công nhân Công ty CP Bao bì Sông La Xanh vui vẻ cho biết.
Là DN kinh doanh nhiều ngành nghề, lĩnh vực, trong đó chủ lực là sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, bê tông và cấu kiện bê tông đúc sẵn, thi công nền móng công trình… Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Viết Hải đã giải quyết việc làm cho gần 1.500 lao động.
“Sau Tết Nguyên đán Quý Mão, tất cả lao động đều phấn khởi trở lại làm việc bình thường. Gần đây, toàn Công ty đã tuyển dụng gần 50 lao động vào làm việc” - ông Lã Thái Hải - Trợ lý Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Viết Hải cho biết.
Trước đây, sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, lao động ở tỉnh Hà Tĩnh thường lựa chọn đi xuất khẩu lao động, hoặc đến các thành phố lớn để tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, những năm gần đây các khu kinh tế, cụm công nghiệp ở Hà Tĩnh đã thu hút hàng trăm dự án đầu tư trên nhiều ngành nghề, lĩnh vực, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hàng vạn lao động.
Sự phát triển mạnh mẽ của các DN, các dự án đầu tư đã tạo nhiều thuận lợi cho mọi đối tượng lao động, từ lao động phổ thông đến lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề cao.
Thị trường lao động phong phú, các phiên giao dịch việc làm, thông báo tuyển dụng lao động, chính sách thu hút, kích cầu lao động… được địa phương, đơn vị, DN liên tục triển khai, góp phần giúp lao động có nhiều sự lựa chọn đến với ngành nghề phù hợp.
"Đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động là mục tiêu xuyên suốt của các DN. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến đời sống người lao động, nhất là khuyến khích tăng ca, tăng thu nhập để mọi người yên tâm gắn bó lâu dài" - đại diện Nhà máy sản xuất gỗ MDF, HDF Thanh Thành Đạt chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Phạm Hoàng Anh cho biết, qua rà soát dịp đầu Xuân mới Qúy Mão tại Cụm công nghiệp Cẩm Xuyên lao động cơ bản ổn định, nhất là lĩnh vực dược, may mặc và sản xuất bao bì. Lao động chủ yếu là người địa phương, do vậy khi chế độ tiền lương được cải thiện, người lao động không còn tâm lý đi làm ăn xa như trước đây.
Qua tìm hiểu được biết, với nhiều chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, năm 2022 tỉnh Hà Tĩnh đã giải quyết việc làm cho khoảng gần 23.000 lao động. Trong đó, Khu kinh tế Vũng Áng, Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, các khu, cụm công nghiệp tập trung… là những nơi thu hút mạnh mẽ lực lượng lao động trên địa bàn.
Trao đổi với phóng viên, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh Lê Trung Phước cho biết, qua theo dõi, nắm tình hình, nhìn chung lao động tại các DN cơ bản ổn định, việc sản xuất, kinh doanh dịp đầu Xuân mới diễn ra sôi nổi với khí thế, quyết tâm cao.
“Các đơn vị, DN đang tiếp tục tuyển dụng lao động, bổ sung thêm nguồn nhân lực để đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch ngay từ những tháng đầu năm 2023” - ông Lê Trung Phước thông tin.
DN ổn định sản xuất, kinh doanh, hàng vạn lao động phấn khởi, hăng say làm việc. Đó là tín hiệu tích cực, đáng mừng, khởi đầu một năm mới thuận lợi, tạo đà cho các DN ở Hà Tĩnh bứt phá, phát triển đi lên.