Khẳng định vai trò của Thủ đô trong xây dựng và phát triển Vùng
Việc ban hành Chương trình hành động trên cơ sở bám sát quan điểm, mục tiêu nêu trong Nghị quyết số 30-NQ/TW nhằm phát huy và khẳng định vị trí, vai trò của Thủ đô Hà Nội trong xây dựng và phát triển Vùng hiện đại, văn minh, sinh thái; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chăm sóc sức khỏe Nhân dân và một số trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, thông minh, xanh, bền vững.
Các chỉ tiêu chủ yếu phấn đấu đến năm 2030 của TP Hà Nội gồm 29 chỉ tiêu. Trong đó, nhóm chỉ tiêu về phát triển kinh tế gồm 10 chỉ tiêu; nhóm chỉ tiêu phát triển văn hóa, xã hội gồm 5 chỉ tiêu; nhóm chỉ tiêu về phát triển đô thị gồm 5 chỉ tiêu; nhóm chỉ tiêu về xây dựng đảng gồm 9 chỉ tiêu.
Về mục tiêu đến năm 2030: Xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Về tầm nhìn đến năm 2045: Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.
Xây dựng thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, TP Hà Nội xác định tập trung công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến thông tin và triển khai thực hiện Nghị quyết. Trong đó, đổi mới tư duy phát triển và đẩy mạnh quyết tâm của các cấp, các ngành về nhiệm vụ xây dựng và phát triển vùng, nhất là liên kết vùng, quan hệ đối ngoại, phân bổ nguồn lực, nguồn nhân lực nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng, giải quyết các vấn đề quốc gia tại vùng, các vấn đề liên ngành, liên vùng.
Bên cạnh đó, TP xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và liên kết vùng. Rà roát, hoàn thiện các cơ chế chính sách và quy định của pháp luật để đẩy mạnh các liên kết giữa Hà Nội với địa phương trong vùng để huy động, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, khoa học - công nghệ, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đô thị, quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả bền vững tài nguyên, đất đai, nguồn nước.
Phối hợp cùng các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng nghiên cứu, xây dựng thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng, cho từng địa phương; trong đó có cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách, đầu tư để khuyến khích, nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu, tạo nguồn lực, động lực phát triển mới cho Thủ đô và vùng đồng bằng sông Hồng; cho phép các địa phương được sử dụng ngân sách địa phương đầu tư cho các dự án vùng, liên vùng.
Về phát triển kinh tế nhanh và bền vững, Hà Nội phấn đấu đi đầu trong xây dựng vùng đồng bằng sông Hồng trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đứng đầu trong nước, ngang tầm với các nước phát triển trong khu vực và quốc tế.
Về phát triển bền vững hệ thống đô thị và hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại. Phát triển đô thị Hà Nội thông minh, hiện đại, có bản sắc, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước. Tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới; từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD) đi đôi với quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng và gia tăng dân số tại khu vực đô thị trung tâm. Hình thành, phát triển các khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh, đô thị sinh thái; đầu tư phát triển các đô thị có giá trị, tiềm năng về di sản, du lịch... Phấn đấu đến năm 2025 có 3 - 5 huyện và đến năm 2030 có thêm 1 - 2 huyện phát triển thành quận.
Bên cạnh đó, Hà Nội tập trung phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Hà Nội đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Cùng với các địa phương, xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo vùng đồng bằng sông Hồng gắn kết nghiên cứu khoa học, phát triển mạnh các công nghệ mới và kết nối hiệu quả các sàn giao dịch công nghệ vùng, cả nước và quốc tế.
Cùng với phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, Hà Nội là trung tâm dẫn đầu cả nước về giáo dục, đào tạo theo hướng toàn diện cả về năng lực, phẩm chất, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng nguồn nhân lực của vùng. Xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế...
Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa, lấy văn hóa làm nền tảng, đậm đà bản sắc của vùng, nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức sáng tạo, tinh thần cống hiến, khát vọng phồn vinh. Phát triển văn hoá Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hoá của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô.
Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung giải quyết kịp thời các vấn đề môi trường cấp bách tại TP Hà Nội, nhất là rác thải, khí thải, ô nhiễm nước các sông trong nội đô. Kiên quyết di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực nội thành, đông dân cư. Cùng với đó, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, kết luận, quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác xây dựng Đảng tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu; triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Thực hiện có hiệu quả các chủ trương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn; xây dựng mô hình chính quyền đô thị hiện đại; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền; kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của các cấp chính quyền; xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên.