Hà Tĩnh: Nỗi lo sạt lở đất trong mùa mưa lũ

Văn Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùa mưa lũ, tình trạng sạt lở đất tại các khu vực đồi núi, khe suối ở tỉnh Hà Tĩnh diễn ra khá nghiêm trọng. Với những hộ dân có nhà ở sát vách núi cao, nguy cơ tai nạn do sạt lở đất luôn tiềm ẩn.

Nỗi lo thường trực

Nhiều năm nay, cứ mỗi lần xẩy ra dông bão, hoặc mưa lớn kéo dài, gia đình ông Nguyễn Đăng Phú bà Phan Thị Đào ở xã Sơn Giang (huyện Hương Sơn) lại phải sơ tán đến nương nhờ nhà người thân để phòng tránh sạt lở đất.

Sạt lở đất diễn ra nghiêm trọng quanh khu vực gia đình ông Nguyễn Đăng Phú ở xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn
Sạt lở đất diễn ra nghiêm trọng quanh khu vực gia đình ông Nguyễn Đăng Phú ở xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn

Ông Phú cho biết, sạt lở đất tại núi Hố Váy hết sức nghiêm trọng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đặc biệt, sau đợt mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 4, hàng chục m3 đất đá từ trên núi cao đã đổ sập xuống sát tường nhà và chuồng trại chăn nuôi.

“Mưa lớn kéo dài, cả gia đình mất ăn, mất ngủ, lo sơ tán trong đêm để đảm bảo an toàn tính mạng. Sạt lở đất ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, sinh hoạt, chỗ ở hiện nay không thể an cư, về lâu dài cũng phải tính phương án di dời nhà đến nơi ở mới” - ông Nguyễn Đăng Phú nói.

Đất đá, cây cối tại núi Hố Váy bị sạt lở, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ
Đất đá, cây cối tại núi Hố Váy bị sạt lở, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ

Gần 10 năm di dời tái định cư phục vụ dự án Thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, gia đình ông Bùi Nhung ở khu tái định cư Hói Trung xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang luôn lo lắng bất an vì sạt lở đất.

Cả khối núi sát nhà ông Bùi Nhung đã bị sạt lở nhiều tầng, khuất lấp dưới lớp cỏ cây, bụi rậm
Cả khối núi sát nhà ông Bùi Nhung đã bị sạt lở nhiều tầng, khuất lấp dưới lớp cỏ cây, bụi rậm

Ông Nhung cho biết, khi đến khu tái định cư Hói Trung gia đình được cấp 750m2 đất ở, đất vườn. Do toàn bộ diện tích đất nằm sát vách núi cao, sau nhiều trận mưa lũ cả khối núi đã bị sụp lở vùi lấp mương thoát nước và phá hỏng toàn bộ chuồng trại chăn nuôi, công trình phụ trợ xây dựng kiên cố của gia đình.

“Cả khối núi nền đất yếu, trên núi lại có nhiều tảng đá lớn nằm cheo leo có thể đổ sập vào nhà bất cứ lúc nào. Để chống sạt lở, trước mắt tôi chỉ biết trồng cây, giữ cỏ tự nhiên, còn về lâu dài Nhà nước cần có phương án xử lý sạt lở, giúp 11 hộ dân tái định cư nơi đây yên tâm ổn định cuộc sống” - ông Bùi Nhung bày tỏ nguyện vọng.

Chủ động phương án ứng phó

Địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có nhiều đồi núi, khe suối nên mỗi khi mưa lớn kéo dài thường xẩy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Trong khi đó, tại các khu vực đồi núi hoặc ven sông suối lại là nơi định cư sinh sống của hầu hết người dân nông thôn, nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở đất luôn rình rập.

Ngoài ra cũng do thói quen, tập quán sinh hoạt, rất nhiều hộ dân đã bạt núi, san nền để xây dựng nhà ở, giành quỹ đất bằng phẳng phục vụ sản xuất. Vì vậy, sau tường nhà thường là những vách núi cao, dựng đứng rất dễ bị sạt lở.

Cảnh báo sạt lở đất ven sông Ngàn Trươi đoạn qua cầu Chợ Quánh xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang
Cảnh báo sạt lở đất ven sông Ngàn Trươi đoạn qua cầu Chợ Quánh xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hùng Cường - Chủ tịch UBND xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang cho biết, tại khu tái định cư Hói Trung có trên 20 hộ dân ở thôn Kim Quang và Tùng Quang nằm trong vùng bị sạt lở đất nghiêm trọng. Ngoài ra, trên địa bàn tình trạng sạt lở đất ven sông Ngàn Trươi đoạn qua cầu Chợ Quánh và khu vực đồi núi, đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt của nhiều hộ dân.

“Mùa mưa lũ, địa phương thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, sẵn sàng các phương án di dời dân, tài sản đến nơi an toàn. Qua những cuộc họp, tiếp xúc cử tri, người dân cũng đã phản ánh, đề đạt nguyện vọng lên các cấp có thầm quyền cần đầu tư xây dựng kè chống sạt lở kiên cố ven sông Ngàn Trươi và khu vực xung yếu” - ông Nguyễn Hùng Cường chia sẻ.

Tại cuộc làm việc với phóng viên, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hương Sơn Nguyễn Trường Giang cho biết, những vị trí sạt lở do mưa lũ tại các xã: Sơn Hồng, Sơn Lâm, Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Giang… địa phương đã lập biển cảnh báo nguy hiểm, tuyên truyền người dân chủ động phòng tránh sạt lở đất. Các phương án ứng phó, sơ tán dân được thực hiện kịp thời, góp phần đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản cho Nhân dân trong mùa mưa lũ.

Lực lượng chức năng Hà Tĩnh tập trung khắc phục, xử lý sạt lở đất tại các tuyến đường khu vực  miền núi, biên giới
Lực lượng chức năng Hà Tĩnh tập trung khắc phục, xử lý sạt lở đất tại các tuyến đường khu vực  miền núi, biên giới

Sạt lở đất thường xẩy ra bất ngờ và gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, khó lường. Qua rà soát, thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, địa phương hiện có gần 500 hộ dân trên địa bàn 9 huyện, thị xã nguy cơ sạt lở đất, trong đó nhiều nhất là ở các huyện: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên.

“Để đảm bảo an toàn, tất cả hộ dân này đều được các địa phương lập danh sách, số điện thoại liên lạc và có phương án di dời cụ thể. Riêng trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 4 vừa qua, toàn tỉnh có 26 hộ dân bị sạt lở nghiêm trọng mái ta luy sau nhà buộc phải sơ tán, di dời khẩn cấp đến nơi an toàn” - đại diện Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh thông tin.