Sau nhiều tuần lễ tranh cãi, các nghị sĩ tại Hạ viện Anh đã phê chuẩn Dự luật Brexit về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Văn kiện này đã được chuyển lên Thượng viện xem xét.
Dự luật Brexit đã được thông qua với 324 phiếu thuận và 295 phiếu phản đối. Đây được coi là dấu mốc quan trọng trong tiến trình dài hơi hướng đến việc xây dựng các nền tảng pháp lý cho Brexit.
Dự luật Brexit có vai trò nền móng đối với tư cách thành viên EU của Anh, đồng thời chuyển đổi các đạo luật của EU thành đạo luật của Anh. Vấn đề này là phép thử đối với khả năng đưa ra một chiến lược Brexit của Thủ tướng Anh Theresa May trong bối cảnh đảng Bảo thủ không chiếm đa số ghế trong Quốc hội.
Hiện người dân Anh vẫn đang chia rẽ về việc rời EU. Một số người, trong đó có cựu Thủ tướng Công đảng Tony Blair, nói rằng quyết định này cần được đảo ngược. Một số nghị sĩ cho rằng nên có một cuộc bỏ phiếu công khai thứ 2 về nội dung thỏa thuận Brexit cần đạt tới.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker ngày 17/1 tuyên bố ông sẽ hoan nghênh bất kỳ nỗ lực nào của Anh muốn đảo ngược quyết định để ở lại EU sau tiến trình đàm phán Brexit.
Bình luận trên của ông Juncker về khả năng London có thể gia nhập lại EU được đưa ra 1 ngày sau khi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk khẳng định EU vẫn để ngỏ khả năng này nếu Anh muốn thay đổi quyết định.
Ông Junker cho rằng Brexit là một "thảm họa," gây thiệt hại đối với cả Anh và các nước thành viên EU.
Phát biểu tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg , Pháp, ông Junker nói: "Chúng tôi vẫn mở rộng vòng tay nếu Anh mong muốn tìm một giải pháp khác thay cho Brexit. Chúng tôi sẵn sàng đàm phán về quyết định đó... Nếu Anh rời EU theo điều 50 của Hiệp ước Lisbon, thì sẽ có điều 49, cho phép tái gia nhập EU."