Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hạ viện Nga thông qua dự luật rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở

Nguyễn Phương (Theo Tass)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 19/5, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã nhất trí quyết định bác bỏ Hiệp ước Bầu trời Mở trong một phiên họp toàn thể.

Tại phiên họp toàn thể hôm 19/5, Hạ viện Nga đã tuyên bố chấm dứt hiệu lực của Hiệp ước Bầu trời Mở. "Hạ viện nhất trí thông qua dự luật rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở", Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin, cho biết sau cuộc bỏ phiếu hôm thứ Tư.
 Hạ viện Nga thông qua dự luật rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở. Ảnh: Sputnik
Trước đó, hôm 18/5, Ủy ban các vấn đề quốc tế của Hạ viện Nga cũng nhất trí việc rút khỏi hiệp ước này.
Liên quan đến vấn đề này, phát biểu tại cuộc họp của Hạ viện Nga ngày 19/5, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết những nước có liên quan đến Hiệp ước Bầu trời Mở không có bất kỳ động thái nào nhằm thuyết phục Mỹ quay trở lại hiệp ước này.
Theo Thứ trưởng Sergei Ryabkov, Nga cũng chưa nhận được bất kỳ tín hiệu nào chứng tỏ Mỹ và các đồng minh sẵn sàng thảo luận về vấn đề này. "Họ không hành động gì, trái lại chỉ lặp lại những cáo buộc vô căn cứ về việc Nga vi phạm hiệp ước mà Moscow đã nhiều lần bác bỏ”- ông Ryabkov nêu rõ.
Hôm 5/5 vừa qua, chính phủ Nga đã thông qua việc bãi bỏ Hiệp ước Bầu trời Mở. Vào ngày 15/1, Bộ Ngoại giao Nga thông báo rằng Moscow đã khởi động các thủ tục để rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở. Cơ quan ngoại giao Nga giải thích động thái này là do không có tiến triển trong việc tháo gỡ những trở ngại cho việc tiếp tục Hiệp ước trong các điều kiện mới sau khi Mỹ từ bỏ vào tháng 11/2020.
Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 4 tuyên bố rằng Washington vẫn chưa quyết định tái gia nhập Hiệp ước Bầu trời mở.Trong nhiều năm, Washington đã cáo buộc Moscow thực hiện một cách tiếp cận có chọn lọc để thực hiện Hiệp ước Bầu trời Mở và vi phạm một số điều khoản của Hiệp ước này. Nga đã đưa ra các tuyên bố phản đối cáo buộc vi phạm Hiệp ước Bầu trời Mở.
Hiệp ước Bầu trời Mở được ký vào ngày 24/3/1992 tại Helsinki, Phần Lan. Văn kiện này đã trở thành một trong những biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Âu sau Chiến tranh Lạnh, khi cho phép 34 quốc gia tham gia công khai thu thập thông tin về lực lượng và hoạt động quân sự của nhau. Ngày 22/5/2020, Mỹ đưa ra thủ tục rút khỏi Hiệp ước và chính thức rút vào ngày 22/11. Bộ Ngoại giao Nga lưu ý rằng, sau việc này, "sự cân bằng lợi ích của các quốc gia tham gia đạt được khi ký kết Hiệp ước đã bị phá vỡ”./.