Và cuộc chơi leo thang đòn trừng phạt, trả đũa giữa hai bên đã đẩy thế giới rơi vào một cuộc chiến thương mại với những tổn thất không thể dự đoán nổi. Nhằm buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin chấm dứt mọi hỗ trợ dành cho lực lượng ly khai miền Đông Ukraine, hôm 29/7, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua hàng loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga. Gói trừng phạt bổ sung này nâng tổng số cá nhân của Nga trong “danh sách đen” của EU lên 87, tổ chức lên 20.
Tổng thống Mỹ Obama công bố trước báo giới những biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Ảnh: Reuters
|
Như vậy, Nga đã phải đón nhận 2 loạt lệnh trừng phạt mạnh liên tiếp trong vòng chưa đầy 2 tuần. Trước đó, hôm 16/7, Mỹ đã áp dụng lệnh trừng phạt kinh tế mạnh mẽ nhất đối với Nga, với mục tiêu chủ yếu nhằm vào các công ty năng lượng, tài chính cũng như quốc phòng hàng đầu của Nga. Theo các quan chức EU, những biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm gây khó khăn tối đa cho Nga. EU cũng cảnh báo các biện pháp trừng phạt có thể được nới lỏng hoặc thắt chặt bất cứ lúc nào, tùy thuộc vào các động thái từ phía Nga. Các nhà quan sát cũng cho rằng, những lệnh trừng phạt mới vừa được EU ban hành có nguy cơ trở thành đòn đánh quyết định đối với nền kinh tế Nga vốn đang rệu rã với tăng trưởng gần như bằng không, dòng vốn 76 tỷ USD tháo chạy khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm (so với 63 tỷ USD năm 2013) và giảm một nửa tổng giá trị các khoản đầu tư từ nước ngoài.
Mặc dù là đối tượng bị trừng phạt, Nga đã chứng tỏ mình không phải là đối thủ dễ chơi nên bên cạnh những tuyên bố cứng rắn, Moscow đã nhanh chóng khởi động cuộc đáp trả Mỹ và EU. Theo đó, hàng loạt thực phẩm của Ukraine và các nước thành viên EU như Moldova, Ba Lan bị cấm nhập khẩu vào Nga với tần suất dày đặc, gần như mỗi ngày một lệnh cấm nhập khẩu mới với lý do chứa chất độc hại, bị nhiễm vi khuẩn nguy hiểm hoặc không đáp ứng theo các tiêu chuẩn quy định và để "bảo vệ người tiêu dùng". Thậm chí, Nga còn lên kế koạch sẽ cấm nhập khẩu thịt gà từ Mỹ vì lo ngại nguy cơ bùng phát khuẩn salmonella (một loại khuẩn biến thức ăn thành độc tố).
Tất nhiên, nạn nhân bị thiệt hại nhiều nhất trong cuộc chiến leo thang đòn trừng phạt vẫn là Nga buộc Tổng thống Putin phải công bố một đạo luật thuế mới, để giúp tăng cường nguồn thu bù đắp lại sự sụt giảm trong đóng góp ngân sách của các ngân hàng quốc doanh, cũng như các công ty xuất khẩu vũ khí, đối tượng chịu tác động trực tiếp từ các lệnh trừng phạt. Nhưng việc Nga - thị trường xuất khẩu lớn của châu Âu với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ euro mỗi năm ban hành hàng loạt lệnh cấm nhập khẩu sẽ gây nhiều thiệt hại cho EU. Trên thực tế, những lệnh trừng phạt mới mà Mỹ và châu Âu ban hành nhắm vào Nga đang khiến nhiều tập đoàn lớn khắp các nước phương Tây hứng chịu những hậu quả không mong đợi, khi lợi nhuận được dự báo giảm khiến giá cổ phiếu lao dốc. Tập đoàn BP của Anh, vốn nắm giữ 20% cổ phần trong tập đoàn năng lượng Rosneft của Nga thì cảnh báo rằng, hoạt động kinh doanh của họ có thể chịu tổn thất. Các ngân hàng: Deutsche Bank (Đức), Societe General (Pháp) vốn hoạt động khá mạnh tại Nga, đều đã chứng kiến giá cổ phiếu sụt mạnh trong tuần qua. Nhưng ngay cả các ngành không bị trực tiếp nhắm tới, tác động tiêu cực từ các lệnh cấm vận cũng thể hiện rõ. Cổ phiếu của hãng thể thao Adidas, hãng sản xuất ô tô Volkswagen hay tập đoàn siêu thị Metro đã sụt giảm nghiêm trọng do doanh số tại thị trường Nga sụt giảm nhanh. Thủ tướng Ba Lan cho biết, các lệnh cấm vận đối với Nga sẽ khiến tăng trưởng GDP của Ba Lan sụt giảm 0,6% từ nay đến cuối năm.
Các đòn trừng phạt, trả đũa qua lại theo xu hướng tăng mức độ, cường độ giữa Nga với phương Tây chưa biết bao giờ mới chấm dứt, nhưng một điều có thể chắc chắn là, nó sẽ tác động rất lớn đến tình hình thương mại thế giới. Và nạn nhân đầu tiên, không phải là những tập đoàn, công ty lớn mà chính là người tiêu dùng trên toàn cầu.