Hai kịch bản đổ bộ của bão số 6

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơ quan khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, nhiều khả năng bão số 6 sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi vào đến vùng biển Trung Bộ trong ngày 20/10. Ở một kịch bản khác có xác suất xảy ra thấp hơn, hình thái này sẽ tan trên biển.

Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm, từ chiều và đêm nay (18/10) trở đi, nhiều khả năng bão số 6 sẽ giảm dần cường độ khi di chuyển về phía vùng biển Trung Bộ do ảnh hưởng của không khí lạnh. Sự tương tác của không khí lạnh với hoàn lưu bão trên Biển Đông sẽ quyết định đến quỹ đạo và cường độ của bão số 6. 

Hình thái bão số 6 vào trưa 18/10.
Hình thái bão số 6 vào trưa 18/10.

“Trên đất liền, do tương tác với không khí lạnh nên phạm vi và mức độ ảnh hưởng của bão số 6 đến vùng biển ven bờ và đất liền có thể xảy ra theo hai kịch bản...” - ông Mai Văn Khiêm cho biết tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai tổ chức vào ngày 18/10.

Kịch bản 1 (với xác suất khoảng 60 - 69%): Xảy ra trong trường hợp bão tương tác với không khí lạnh, suy yếu trước khi đi vào vùng biển Trung Bộ, yếu thành áp thấp nhiệt đới và vùng áp thấp trước khi vào đất liền. 

Kịch bản 2 (xác suất khoảng 30 - 40%): Khi bão di chuyển tới khu vực phía Nam của đảo Hải Nam (Trung Quốc), tương tác mạnh với không khí lạnh rất mạnh, cường độ bão yếu đi nhanh và sẽ tan trước khi đi vào đất liền. Trên đất liền mưa và gió không đáng kể. 

 

Theo thống kê của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, mưa lũ kéo dài các ngày 13 - 16/10 ở các địa phương miền Trung đã khiến 8 người chết. Bên cạnh đó, 5 ngôi nhà sập đổ, 33 nhà thiệt hại và gần 75.000 ngôi nhà bị ngập...

Thông tin tại cuộc họp ngày 18/10, đại tá Nguyễn Đình Hưng - Trưởng phòng Cứu hộ, cứu nạn (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), cho biết bộ đội biên phòng tuyến biển đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 59.719 tàu/270.561 ngư dân biết diễn biến của bão để di chuyển phòng tránh. Hiện, đang có 3 tàu Quảng Ngãi/33 ngư dân đang tránh trú bão ở đảo Đá Lồi (khu vực Hoàng Sa).

“Lực lượng bộ đội biên phòng đang tiếp tục phối hợp với các địa phương theo dõi,  yêu cầu phương tiện tàu, thuyền tránh; sắp xếp khu neo đậu đảm bảo an toàn cho tàu thuyền; căn cứ vào điều kiện cụ thể của thời tiết sẽ tiến hành bắn pháo hiệu” - đại tá Nguyễn Đình Hưng cho hay.

Để ứng phó bão số 6, có 13 tỉnh, TP ban hành công điện triển khai các biện pháp ứng phó với bão. Các địa phương đã và đang phối hợp với lực lượng biên phòng tổ chức thông báo, kiểm đếm tàu thuyền hoạt động trên biển.

Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Vũ Xuân Thành phát biểu tại cuộc họp ngày 18/10.
Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Vũ Xuân Thành phát biểu tại cuộc họp ngày 18/10.

Phát biểu tại cuộc họp ngày 18/10 tại Hà Nội, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Vũ Xuân Thành đề nghị các bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 964/CĐ-TTg ngày 17/10 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 34/CĐ-QG ngày 16/10 của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai.

Nhiệm vụ trọng tâm là tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Đặc biệt Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với Tổng cục Thủy sản và các địa phương theo dõi sát việc 3 tàu Quảng Ngãi/33 ngư dân đang ở đảo Đá Lồi (khu vực Hoàng Sa), có sự ứng phó kịp thời, đảm bảo an toàn tàu và ngư dân khi có sự cố xảy ra. 

Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai cũng đề nghị bộ, ngành, địa phương tiếp tục cập nhật thường xuyên, liên tục các bản tin dự báo, cảnh báo về bão, mưa lũ để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành. Đồng thời, tổ chức trực ban, thường xuyên báo cáo tình hình với Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần