Thế nên 7/1 này, vở diễn trở lại sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội là một sự kiện không chỉ với giới làm kịch, mà còn là lời hẹn hấp dẫn đối với công chúng.
Trở về nơi bắt đầuLộng Chương có thể coi là thế hệ tác giả đầu tiên của kịch thời kháng chiến chống Pháp. Trong sự nghiệp cầm bút của mình, ông có một danh sách dài các tác phẩm nổi tiếng như: “Lý Thới 1948”, “Du kích thôn Đồi 1952”, “Đoàn quân tóc trắng 1953”, “Chiến đấu trong lòng địch 1954”… Nhưng trong nền kịch cách mạng hiện đại, nhắc đến Lộng Chương hay nhắc tới hài kịch, người ta không thể không nhắc tới “Quẫn”.
|
NSND Lê Khanh (phải) nhập vai bà Đại Cát trên sàn tập kịch. |
Năm 1960, Lộng Chương sáng tác “Quẫn” và được Nhà hát Kịch nói T.Ư dàn dựng, biểu diễn lần đầu tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Thánh đường sân khấu đêm 9 và 10/12/1960 khi “Quẫn” ra mắt không còn một chỗ trống. Theo trí nhớ của NSND Trần Tiến – người đóng vai nam chính Đại Cát trong “Quẫn” thời đó, khán giả phải kê thêm ghế ngồi 2 bên cánh gà. Sau 2 đêm diễn, “Quẫn” đỏ đèn sân khấu tới trên 2.000 suất diễn. Nhà hát Kịch nói T.Ư cũng đưa “Quẫn” đi công diễn khắp nơi, đến đâu, câu chuyện gia đình ông bà Đại Cát - một gia đình tư sản lâu đời với những nỗi lo sợ trước chính sách công tư hợp doanh của Nhà nước, cũng gây cười. Gần 60 năm sau lần ra mắt đầu tiên hào hoa đó, vở diễn hội ngộ khán giả tại Nhà hát Lớn, nhưng do chính con gái của NSND Trần Tiến – NSND Lê Khanh đảm nhiệm vai nữ chính.
60 tuổi vẫn vào vai thiếu nữSân khấu tư nhân của Trần Lực – Team Tran Luc đã từng dàn dựng “Quẫn” để dự thi Liên hoan sân khấu Thủ đô 2016, sau đó biểu diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ. Vở diễn giúp Trần Lực mang về giải đạo diễn xuất sắc nhất cùng 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc cho diễn viên và vở diễn. “Quẫn” của Trần Lực năm 2016 là cuộc chơi của thầy và trò Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội đã đủ cho vở diễn hấp dẫn dưới hình thức sân khấu ước lệ.
Điều mới của vở diễn lần này không chỉ là cách biểu đạt mang tính ước lệ, mà còn là sự tham gia của NSND Lê Khanh trong vai bà Đại Cát. NSND Lê Khanh tự nhận, chị phải “cưa sừng làm nghé” để cùng diễn xuất với những diễn viên đáng tuổi con mình. “Nhận vai vợ Đại Cát tôi thấy mình táo bạo. Khi NSƯT Trần Lực mới đề cập tôi từ chối, nhưng cuối cùng tôi bị Trần Lực thuyết phục” - NSND Lê Khanh chia sẻ. Chị không giấu lý do cho cái gật đầu đồng ý này: “Nghệ sĩ Việt, đặc biệt nghệ sĩ phía Bắc luôn bị đóng khung với tuổi nghề. Trong khi đó, ở phía Nam hoặc ở nước ngoài, nghệ sĩ 60 tuổi vào vai một thiếu nữ là chuyện bình thường. Việc đóng khung này khiến sân khấu phung phí nhân tài. Đây không phải lần đầu tôi táo bạo, ai đã từng theo dõi các vở diễn của tôi sẽ thấy tôi thường xuyên táo bạo như thế”. NSND Lê Khanh cho biết, chị sẽ mời người đóng vai ông Đại Cát ngày xưa – NSND Trần Tiến đi xem vở diễn phiên bản mới này.
“Quẫn” sẽ diễn một đêm (7/1) tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà viết kịch Lộng Chương. Được biết, ghế ngồi ở tầng 1 và tầng 2 đã bán hết từ lâu. Không chỉ có giới làm nghề mong chờ buổi diễn, mà khán giả mê kịch Lộng Chương đang ngóng đợi.