Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hai thị trường lao động được rất nhiều người Việt Nam lựa chọn

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – 9 tháng đầu năm 2023, cả nước có 111.507 lao động đi làm việc ở nước ngoài, dẫn đầu là 2 thị trường Nhật Bản và Đài Loan.

Cục Quản lý lao động ngoài nước – Bộ LĐTB&XH thông tin, báo cáo từ các DN, trong tháng 9 năm 2023 đã có tổng số 14.273 người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bao gồm các thị trường Nhật Bản 8.475 lao động, Đài Loan 4.512 lao động và tiếp đến là Hàn Quốc, Trung Quốc, Hungari, Ba Lan, Romania, Singapore...

Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 111.507/110.00 lao động, đạt 101,37% kế hoạch năm 2023; và bằng 108,23% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhật Bản là thị trường dẫn đầu với 55.690 lao động sang làm việc. Đứng thứ hai là Đài Loan có 46.166 lao động, tiếp đến là Hàn Quốc 2.449 lao động, Trung Quốc 1.361 lao động, Hungari 1.148 lao động, Singapore 1.015 lao động; và các thị trường Romani, Ba Lan, Ả rập xê út và các thị trường khác.

9 tháng đầu năm 2023, cả nước có 111.507 lao động đi làm việc ở nước ngoài, dẫn đầu là thị trường Nhật Bản. Ảnh minh họa: Internet.
9 tháng đầu năm 2023, cả nước có 111.507 lao động đi làm việc ở nước ngoài, dẫn đầu là thị trường Nhật Bản. Ảnh minh họa: Internet.

Thông tin về thị trường lao động Nhật Bản, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Bá Hoan cho biết: Việt Nam là nước đứng đầu về cả về số lượng thực tập sinh nhập cảnh vào Nhật Bản và số lượng thực tập sinh đang thực tập tại Nhật Bản. Trong 6 tháng đầu năm 2023 đã có hơn 35.000 thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản. Hiện tại, có hơn 200.000 thực tập sinh Việt Nam thực tập tại Nhật Bản (chiếm khoảng 50% tổng số thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản). Dự kiến hết năm 2023, số thực tập sinh, lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản là 75.000 – 80.000 lao động. Về Chương trình lao động kỹ năng đặc định, hiện có khoảng 80.000 lao động đang làm việc tại Nhật Bản. Nhật Bản đã mở rộng thêm 9 lĩnh vực, ngành nghề cho lao động kỹ năng đặc định Việt Nam sang làm việc.

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cũng chia sẻ về việc, số lượng người lao động Việt Nam sang Nhật Bản không ngừng tăng nhưng họ e ngại do đồng Yên Nhật bị mất giá đáng kể. Thu nhập thực tế của lao động Việt Nam tại Nhật Bản giảm nhiều dẫn đến băn khoăn chọn thị trường lao động Nhật Bản hay thị trường khác.

Cùng với những thị trường truyền thống, Bộ LĐTB&XH tăng cường mở rộng cơ hội cho người lao động đi làm việc tại các nước Châu Âu. Hy Lạp là thị trường mới thiếu kiệt nguồn nhân lực trong nhiều lĩnh vực: 60.000 lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ chế biến; 50.000 lao động trong lĩnh vực xây dựng và 50.000 lao động lĩnh vực du lịch.

Trước đó, tháng 7/2023, Cục Quản lý lao động Việt Nam cho phép 3 DN chuẩn bị nguồn lao động (mỗi DN được phép chuẩn bị nguồn 50 lao động) để làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp (trồng cây, thu hoạch nông sản và chế biến nông sản) tại Hy Lạp. Đó là Công ty CP Xuất nhập khẩu và cung ứng nhân lực CIP.CO (CIP.CO HR); Công ty CP Đầu tư & Phát triển thương mại BBC Group (BBC Group., Jsc) và Công ty CP Phát triển quốc tế Việt Thắng (VTC Corp).

Đến tháng 9/2023, Cục Quản lý lao động ngoài nước chấp thuận thêm 3 DN được chuẩn bị nguồn để cung ứng lao động đi làm việc tại Hy Lạp, với số lao động chuẩn bị là 150 người, trong độ tuổi từ 20 – 45. Bao gồm: Công ty CP Hợp tác nhân lực quốc tế VINACO (VINACOHR); Công ty CP Nhân lực thương mại quốc tế SNG (SNG Manpower., Jsc) và Công ty CP Nhân lực quốc tế Đông Dương (DONG DUONG IHR).

Người lao động được tuyển chọn đi Hy Lạp sẽ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, thời hạn hợp đồng lao động 2 năm. Thời gian làm việc là 8 giờ/ngày, tuần làm việc 5 ngày, mức lương cơ bản là 803 Euro/tháng.