Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye công khai xin lỗi người dân trước đó. |
Theo kết quả này, Nhóm công tố viên đặc biệt một lần nữa nhấn mạnh bà Park là nghi phạm trong vụ bê bối tham nhũng liên quan đến bạn thân Choi Soon-sil. Giới truyền thông đưa tin, có tổng cộng 30 đối tượng bị truy tố, trong đó có Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung Lê Jae-yong, bị buộc tội hối lộ cho bà Choi Soon-sil, nhằm đổi lấy sự ủng hộ của Quỹ Hữu trí Quốc gia (NPS) trong việc sáp nhập hai chi nhánh của tập đoàn này.
Kết quả cuộc điều tra cũng nhắc tới vai trò của Tổng thống Hàn Quốc trong việc lập “danh sách đen” các nhân vật trong ngành văn hóa – những người không nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ.
Nhóm đã chuyển kết quả cuộc điều tra trên cho công tố nhà nước để tiếp tục quá trình điều tra. Bởi, quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn đã chính thức bác đề nghị gia hạn thời gian điều tra vụ bê bối tham nhũng liên quan đến bà Park do Nhóm công tố viên đặc biệt đưa ra trước đó.
Như vậy, các công tố viên nhà nước sẽ tiếp tục cuộc điều tra này. Dự kiến, họ sẽ tập trung điều tra những nghi ngờ xung quanh cựu trợ lý Tổng thống Woo Byung-woo – người bị cho có mối liên kết nhận hối lộ từ các tập đoàn lớn.
Trong diễn biến liên quan, ứng cử viên Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã lên tiếng kêu gọi điều tra thông tin cho rằng, Tòa án Hiến pháp nước này đang bị Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) theo dõi. Theo người phát ngôn Park Kwang-on của ứng cử viên Moon Jae-in, thông tin từ truyền thông, một quan chức của NIS đã tiết lộ rằng, cơ quan này đang theo dõi Tòa án Hiến pháp kể từ đầu tháng 1/2017.
Đồng thời, ông Park còn nhấn mạnh rằng người đã ra lệnh theo dõi, thông tin thu thập được do ai nắm giữ và liệu có quan chức nào của Tòa án Hiến pháp được thông báo trước và sau khi hoạt động theo dõi này cần phải được công khai. Lời kêu gọi của ông Moon đưa ra trong bối cảnh Tòa Hiến pháp sắp đưa ra kết luận về số phận chính trị của bà Park Geun-hye, người đang dính líu bê bối chính trị tại quốc gia này trong thời gian qua.