Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hậu quả khó lường

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Gần một tháng trôi qua kể từ khi cơ quan chức năng của Anh phát hiện có 60% thịt ngựa xuất hiện trong sản phẩm thịt bò băm, bê bối này đã lan nhanh khắp châu Âu, châu Mỹ và cả châu Á, gây ra các vụ thu hồi thực phẩm lớn nhất trong lịch sử Liên minh châu Âu (EU).

 Các cuộc họp khẩn cấp của Bộ trưởng Nông nghiệp EU liên tiếp diễn ra nhằm bàn thảo những biện pháp nhằm lấy lại niềm tin người tiêu dùng. Nhưng càng tìm cách khắc phục, những thông tin mới được tiết lộ càng làm thị trường thực phẩm châu Âu trở nên hỗn loạn. Hôm 27/2, sau nhiều lần phủ nhận cáo buộc là nơi khởi phát của bê bối "thịt bò trá hình", Cơ quan Giám sát Thú y Ba Lan cho biết đã phát hiện có thịt ngựa trong sản phẩm thịt bò của ba doanh nghiệp chế biến thực phẩm.
 
Hậu quả khó lường - Ảnh 1
 
 
Việc cơ quan này công bố đã phát hiện 3 mẫu thịt bị nhiễm độc trong số 121 mẫu được kiểm tra đã gây ra một làn sóng sợ hãi cho người dân châu Âu. Trước đó, Cục An toàn thực phẩm Anh cũng phát hiện có 8 trong số 206 con ngựa giết mổ tại nước này có nhiễm chất phenylbutazone, loại thuốc đã bị cấm sử dụng cho động vật được chế biến thành thực phẩm do những tác dụng phụ nguy hiểm như giảm khả năng tái tạo bạch cầu, gây ra chứng thiếu máu...

Vụ bê bối không chỉ gây nên một “cơn bão” tại 22/27 quốc gia thành viên EU mà đã xuất hiện trên thị trường Nga khi Cơ quan Giám sát Nông nghiệp nước này hôm 27/2 cho biết, sau khi tiến hành xét nghiệm ADN các mẫu lấy từ lô hàng hơn 20 tấn xúc xích lợn nhập khẩu từ Áo đã phát hiện trong thành phần có cả thịt ngựa, thịt gà, thịt bò và đậu nành. Trong khi đó, một báo cáo điều tra vừa được tờ New York Times đăng tải hôm 28/2 cho thấy, đường đi của sản phẩm thịt ngựa ở châu Âu lại bắt đầu từ các hải cảng của Mỹ. Từ tháng 8/2012, hơn 13 tấn thịt ngựa tươi và đông lạnh đã được chuyển từ các lò giết mổ ở Mexico qua cảng Houston của Mỹ trước khi tới tay các nhà phân phối bán lẻ ở Bỉ, Hà Lan, Nga. Điều đáng nói là hiện chỉ có duy nhất Canada là quốc gia được Bộ Nông nghiệp Mỹ cho phép xuất khẩu thịt ngựa vào nước này với một mục đích là để làm thức ăn cho những con vật được nuôi trong các vườn thú. Sự xuất hiện của những sản phẩm "thịt ngựa đội lốt bò" có nguồn gốc từ Mexico, Uruguay là hoàn toàn bất hợp pháp và không ai dám đảm bảo rằng các loại thịt này có thể đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng của thị trường Mỹ.

Như vậy, không chỉ dừng lại ở sự đổ vỡ niềm tin, tổn thất về kinh tế, vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng trong vụ bê bối thực phẩm này đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Nhiều người dân Âu Mỹ không biết điều gì sẽ xảy ra với sức khỏe của mình khi mỗi ngày thị trường này đã tiêu thụ hàng ngàn tấn hamburger bò, Lasagne bò, mỳ pasta bò, xúc xích bò, mà thực chất phần lớn trong đó là thịt ngựa có chứa phenylbutazone nguy hiểm.