Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hãy lên tiếng để bảo vệ trẻ em

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội.

Hãy lên tiếng để ngăn chặn mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em là một trong những thông điệp của Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 được phát động vào tối 31/5 tại Hà Nội. Đặc biệt, ngoài đời thực, trẻ còn có cuộc sống ảo ở trên mạng cũng cần được quan tâm, bảo vệ của người lớn.

Phòng ngừa xâm hại, bạo lực trẻ em

Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 (từ ngày 1 - 30/6) có chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”, hướng tới hai mục tiêu: Chung tay bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch; Chung tay bảo vệ trẻ em và hãy lên tiếng tố cáo những hành vi, xâm hại bạo lực trẻ em.

Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Đan Phượng nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2022. Ảnh: Trần Oanh
Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Đan Phượng nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2022. Ảnh: Trần Oanh

Thời gian qua, công tác bảo vệ trẻ em đã được Đảng và Nhà nước, Bộ LĐTB&XH rất quan tâm, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19, được thể hiện qua việc ban hành số lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách nhằm đảm bảo quyền lợi cho trẻ em.

Theo Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH Đặng Hoa Nam, thực tế, chúng ta làm khá tốt việc can thiệp, xử lý những hành vi xâm hại trẻ em, trong đó có những hành vi xâm hại bạo lực trẻ em trong gia đình, xâm hại tình dục trẻ em; tuy nhiên, khâu phòng ngừa còn có những hạn chế.

Theo số liệu báo cáo của Bộ Công an, năm 2021, toàn quốc phát hiện xảy ra 1.914 vụ xâm hại trẻ em, với 2.198 đối tượng, xâm hại 1.987 trẻ em. Tuy năm 2021 giảm 1,6% số vụ xâm hại trẻ em (31 vụ so với năm 2020) nhưng tình hình này lại diễn biến phức tạp, xảy ra một số vụ bạo lực trẻ em trong gia đình đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong xã hội.

“Muốn làm tốt khâu phòng ngừa thì phải có sự ủng hộ đồng thuận cũng như thực hiện trách nhiệm từ phía gia đình và xã hội. Đó là mỗi cá nhân, mỗi một thành viên trong gia đình, mỗi thành viên trong xã hội (hàng xóm, những người thân thiết, người chăm sóc trẻ) cần phải đặt mạnh vấn đề nghi ngờ, giám sát, lên tiếng tố cáo đến các cơ quan chức năng các hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em, để chúng ta không có những cái đáng tiếc và phải nói “giá như”…” - Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững và Tổ chức cứu trợ trẻ em Quốc tế tại Việt Nam, ở các TP lớn, Việt Nam có gần 97% số trẻ em sử dụng mạng internet cho nhiều mục đích khác nhau như học tập, tìm kiếm thông tin, giải trí, chơi game.

Tuy nhiên, chỉ có hơn 10% trẻ em có kiến thức cơ bản về xâm hại tình dục qua môi trường mạng và phần lớn các em tự học cách dùng internet trên mạng và bạn bè.

Để bảo vệ và phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, Thủ tướng đã ban hành Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025”.

Theo Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam, để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng thì làm thế nào để từ hành vi, tổn hại trên môi trường mạng chuyển sang kết nối với những hỗ trợ bằng các dịch vụ để giảm nhẹ tổn hại đối với trẻ em. Do đó, Cục Trẻ em đang xây dựng quy trình có thể kết nối bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng với các dịch vụ, điều kiện chăm sóc một cách đầy đủ và toàn diện.

Ông Hoa Nam cũng mong muốn báo chí truyền thông giúp xã hội, các phụ hynh nhận thức tốt và cập nhật kiến thức kỹ năng chăm sóc bảo vệ trẻ em. Cũng như phụ huynh hướng dẫn con sử dụng mạng xã hội đúng cách, hợp lý và mang lại lợi ích cho việc học.

Cha mẹ phải giám sát, khóa các kênh có nội dung truyền bá độc hại; luôn làm bạn với con, lắng nghe, nắm bắt những sự việc diễn ra xung quanh trẻ để có định hướng kịp thời. Và, tất cả cộng đồng xã hội, thành viên trong gia đình hãy mạnh dạn lên tiếng, tố cáo những hành vi, nghi ngờ về xâm hại bạo lực trẻ em đến Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (111) để chung tay bảo vệ trẻ em.