Kinh tế Nga tăng trưởng 3,6% vào năm 2023 và dự kiến con số này sẽ ở mức 2,6% vào năm 2024, bất chấp việc nước này đang phải hứng chịu hơn 16.000 lệnh trừng phạt của phương Tây. Nga cũng dự kiến sẽ phân bổ 6% GDP cho chi tiêu quân sự.
Trong khi Ukraine đang phải vật lộn để kêu gọi các khoản viện trợ, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ sự tự tin về việc đạt được các mục tiêu tham vọng trong tương lai.
Lý giải việc tại sao Nga vẫn đứng vững trước các lệnh trừng phạt, Robert Huish, giáo sư nghiên cứu phát triển quốc tế tại Đại học Dalhousie cho biết vàng là một trong những nguyên nhân chính giúp Moscow đạt được điều này.
Trong khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào các những lĩnh quan trọng của kinh tế Nga, như: thương mại, năng lượng, …, thị trường vàng rộng lớn của nước này lại hầu như không bị ảnh hưởng.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới, Nga hiện là nước sản xuất vàng lớn thứ hai thế giới, với khoảng 324,7 tấn vào năm 2023, sau Trung Quốc với 374 triệu tấn. Nga dự kiến sẽ tăng sản lượng sản xuất vàng thêm 4%/năm cho đến năm 2026.
Moscow đã chuẩn bị cho các lệnh trừng phạt của phương Tây kể từ năm 2013, trước khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea và nỗ lực hạn chế đến mức tối đa các giao dịch sử dụng đồng USD.
Vào đầu năm 2022, Nga đã neo giá trị cố định của đồng rúp theo vàng, với việc 5.000 rúp sẽ mua được một ounce vàng nguyên chất (một ounce bằng 28.34 gr). Mục đích của động thái này nhằm chuyển đẩy đồng tiền nội địa này ra khỏi giá trị cố định và quay trở về chế độ bản vị vàng, giúp nâng tầm vị thế của đồng tiền này và biến nó trở thành đồng tiền đáng tin cậy thay thế vàng tại một tỷ giá cố định.
Các quốc gia thường dự trữ vàng nhằm giải quyết các giao dịch với nước ngoài trong và ngoài nước, hay xem đó là tài sản trú ẩn an toàn trước những cú sốc tài chính toàn cầu. Chẳng hạn, Venezuela, một quốc gia đang phải chịu các biện pháp trừng phạt – đã gửi vàng thỏi đến Iran để đổi lấy hỗ trợ kỹ thuật trong sản xuất dầu.
Ông Robert Huish cho biết Nga vẫn hưởng lợi lớn từ việc bán vàng cho một số quốc gia khác, bất chấp việc một số nền kinh tế tiên tiến như: Anh, Mỹ và Canada không mua vàng của nước này. Theo đó, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã nhập khẩu 96,4 tấn vàng Nga (6,2 tỷ USD) vào năm 2022 sau lệnh trừng phạt của Anh, tăng gấp 15 lần so với lượng nhập khẩu 1,3 tấn (84,5 triệu USD) vào năm 2021. Đây cũng là nguyên nhân tại sao nhiều máy bay tư nhân rời Nga đến Dubai kể từ khi xung đột tại Ukraine xảy ra.
Một khách hàng lớn khác của vàng Nga là Thụy Sĩ. Năm 2022, nước này đã nhập khẩu 75 tấn vàng Nga (4,87 tỷ USD). Vào năm 2023, quốc gia này đã nhập khẩu khoảng 8,22 tỷ USD vàng từ UAE (quốc gia không tự sản xuất mà mua vàng từ Nga) và 3,92 tỷ USD từ Uzbekistan, nước láng giềng của Nga.
Ông Huish cho biết hiện vàng Nga đang được giao dịch tự do ở mức cao nhất và tránh được bất kỳ lệnh trừng phạt nào trong số 16.000 lệnh từ phương Tây. Đó là lý do tại sao các lệnh trừng phạt không tác động nhiều đến Moscow.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh để kế hoạch kinh tế thông qua vàng của ông Putin đạt hiệu quả, vàng cần phải tăng giá trị. Mục tiêu trong dài hạn của ông Putin là biến vàng trở thành tài sản giao dịch trên toàn cầu, thay vì đồng USD.