Hệ lụy lớn từ phát triển thủy điện ở Nghệ An - Bài 2: Giải quyết thế nào?

Thế An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề giải quyết hệ lụy do thủy điện gây ra đã được các ngành chức năng tỉnh Nghệ An bàn thảo, đưa vào kết luận tại nhiều cuộc họp nhằm đảm bảo ổn định đời sống cho người dân.

Song, trên thực tế thì ngược lại, mới đây nhất là việc xả tràn của các nhà máy vào đợt lũ cuối tháng 8 và đầu tháng 9 vừa qua đã làm cho người dân các huyện miền Tây Nghệ An …khốn đốn.
Hệ lụy dai dẳng
Từ 10 năm trở lại đây, việc triển khai các dự án xây dựng nhà máy thủy điện đã được tỉnh Nghệ An tập trung đôn đốc nhằm giải phóng mặt bằng, lập phương án tái định cư nhường chỗ cho chủ đầu tư triển khai. Từ đó, các dự án nhà máy thủy điện đã nhanh chóng ngăn dòng, vận hành tua bin để hòa lưới điện quốc gia. Thế nhưng, có một bất cập mà thủy điện trên thượng nguồn sông Cả, sông Hiếu…mang lại đó là hệ lụy ảnh hưởng rất lớn về môi trường sống của người bị đảo lộn, hàng nghìn ha rừng bị xóa sổ. Các chuyên gia đã cảnh báo về hệ thống thủy điện bậc thang ở Nghệ An “băm nát” các dòng sông trong suốt thời gian qua nhưng nhiều dự án chỉ có công suất vài chục MW vẫn được chấp thuận xây dựng.
 Thủy điện Bản Vẽ trên thượng nguồn sông Cả xả lũ vừa qua khiến hàng nghìn hộ dân vùng hạ lưu bị ảnh hưởng.
Trong tổng số 32 dự án nhà máy thủy điện lớn, nhỏ được phê duyệt quy hoạch xây dựng trên địa bàn Nghệ An, hiện nay đã có 13 dự án đã vận hành hòa lưới điện quốc gia với tổng công suất 780,5MW và 2 dự án cũng đang chạy thử với tổng công suất 75MW. Hàng năm, thủy điện Nghệ An cũng đã đóng góp 2,2 tỷ Kw cho điện lưới quốc gia. Cùng với đó là việc đóng góp cho ngân sách địa phương, chỉ tính riêng trong năm 2017, thủy điện ở Nghệ An đã đóng góp nguồn thu ngân sách khoảng 532 tỷ đồng. Đây là con số không hề nhỏ cho ngân sách Nghệ An, nhưng theo phân tích của các chuyên gia kinh tế thì nếu so sánh với tổng gần 10 ngàn ha diện tích rừng, đất lúa, hoa màu…thì chưa nghĩa lý gì. Bởi việc tích tụ, tạo thảm thực vật rừng, phù sa hoa màu phải mất hàng chục thậm chí hàng trăm năm mới có được. Tuy nhiên, khi thủy điện về, toàn bộ diện tích đất rừng, đất lúa sinh lợi rất lớn hàng năm cho công đồng nay không còn nữa. Ngoài ra, tỷ lệ đói nghèo, không có việc làm, tư liệu sản xuất thiếu ở nơi tái định cư mới đã khiến cuộc sống của người dân phải “tha phương cầu thực” cũng vì thủy điện.

Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Thanh Hoàng cho rằng, nếu triển khai các dự án thủy điện trên địa bàn thì sẽ nhấn chìm số lượng lớn diện tích đất trồng lúa nước của người dân. Chỉ tính riêng khi thực hiện xây dựng thủy điện Ca Nan thì sẽ có khoảng 9ha lúa nước bị nhấn chìm. Trong khi đó, toàn huyện Kỳ Sơn chỉ có khoảng 300ha lúa nước nên việc triển khai quá nhiều dự án nhà máy thủy điện nhỏ thì nguy cơ hàng trăm ha lúa nước của bà con sẽ không còn nữa.

Thủy điện không chỉ điều tiết nước tưới tiêu như chủ đầu tư thuyết trình mà chu trình vận hành thì đi ngược lại. Ngay như tại xã Cà Tạ với 1km chiều dài sông Nậm Mộ nhưng có tới 3 nhà máy thủy điện ngăn dòng. Điều đáng nói là hàng năm, các dự án thủy điện này tiến hành vận hành xả đáy khiến thủy sinh bị cuốn trôi, xói mòn sạt lở phía hạ lưu thường xuyên xảy ra.

Không chỉ Kỳ Sơn, ngay địa bàn huyện Tương Dương có tới 3 dự án thủy điện đã hòa lưới điện quốc gia (Bản Vẽ 320MW, Khe Bố 100MW, Nậm Nơn 20MW) nhưng hiện nay vẫn còn 25 bản làng của 5 xã sống ngay dưới chân nhà máy thủy điện vẫn chưa có điện lưới sinh hoạt. Thực trạng này cũng đang tồn tại ở hơn 100 bản làng (thuộc 8 huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An) đang sống trong cảnh “khát” điện lưới trong suốt thời gian qua.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hồng Vinh – Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nghệ An cho rằng, những bất cập xung quanh các dự án thủy điện trong thời gian qua một phần cũng do cấp ủy chính quyền chưa làm tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn. Công tác kiểm tra, giám sát, phản biện, kiến nghị xử lý các sai phạm do thủy điện gây ra chưa được kịp thời, hiệu quả. Mặt khác, việc tham mưu, khảo sát, lập quy hoạch của các Sở, ban ngành đối với các dự án thủy điện cũng chưa được khách quan, khoa học. Việc đánh giá cái được, cái mất khi tiến hành phê duyệt xây dựng thủy điện trên hệ thống thượng nguồn sông Lam, sông Hiếu…cũng chưa được cụ thể.
Nước lũ đã làm cho nhiều vùng miền Tây của tỉnh Nghệ An bị chia cắt.
Nghịch cảnh vùng cao
Ngoài những bất cập mà người dân các huyện miền Tây đã phải gánh chịu dai dẳng hàng chục năm nay do các dự án thủy điện ồ ạt mọc lên, thì chưa năm nào tình trạng ngập lụt tại một số huyện miền núi tỉnh Nghệ An lại nặng nề như đợt mưa lũ xảy ra trong tháng 8 và đầu tháng 9/2018 vừa qua. Nhiều bản làng đã bị chia cắt, nhà cửa bị cuốn trôi, các công trình hạ tầng bị sạt lở, hư hỏng. Dư luận cho rằng trong số nhiều nguyên nhân gây nên ngập lụt, thiệt hại nặng nề như vậy một phần là do một số nhà máy thủy điện tiến hành xả lũ. Đồng thời kiến đề nghị các nhà máy thủy điện gây thiệt hại cho người dân và cho các địa phương vùng hạ du thì cần phải bồi thường (chứ không phải hỗ trợ) để người dân và các địa phương sớm khôi phục lại sản xuất, ổn định cuộc sống, sữa chữa lại các công trình hạ tầng bị thiệt hại.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông Lô Xuân Thao nhận định, đợt lũ lụt vừa qua là một nghịch lý, chỉ xảy ra sau khi trên dòng sông Lam xây dựng hệ thống các nhà máy thủy điện. “Trời thì nắng chang chang mà lại có lũ lụt, cùng thời điểm này, các nhà máy thủy điện xả lũ thì nguyên nhân là do các nhà máy thủy điện chứ khó cho là có nguyên nhân nào khác. Ở đâu thì tôi không rõ, nhưng cán bộ, nhân dân huyện Con Cuông đều xác định lũ lụt lớn thế này là do các nhà máy thủy điện xả lũ”.

Tiêu điểm cho những kiến nghị này, là huyện Tương Dương đã có Báo cáo số 246/BC-UBND gửi đến các cơ quan có thẩm quyền về “Tình hình lũ lụt do xả lũ của Thủy điện Bản Vẽ gây ra trên địa bàn huyện Tương Dương”. Tại Báo cáo này, ngoài nêu tình hình thiệt hại, những nguyên nhân dẫn đến lũ lụt, UBND huyện Tương Dương kiến nghị các nhà máy thủy điện: Bản Vẽ, Nậm Nơn, Khe Bố… cần kiểm tra, khảo sát lại cốt nước ngập để cắm lại mốc ngập thượng lưu và hạ lưu; có phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các hộ dân bị ảnh hưởng sau đợt xả lũ vừa qua; sửa chữa những công trình công cộng bị ảnh hưởng, hư hỏng như đường 543C, 543B, kè sông Lam đoạn qua thị trấn Hòa Bình, đường điện 04 và đường điện viễn thông, các cầu treo…

Đồng thời, huyện Tương Dương kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh và các sở, ngành xem xét hạ mực nước dâng bình thường của Thủy điện Khe Bố xuống dưới cốt 65m; đối với thủy điện Bản Vẽ, đề nghị thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa theo đúng Quyết định số 2125/QĐ-TTg và đưa độ cao mức nước trước mùa mưa lũ thấp hơn 192,5m; đề nghị thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để đánh giá thực tế về thiệt hại, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các thủy điện, các đơn vị liên quan để có chính sách khắc phục các thiệt hại; đồng thời đánh giá lại quy trình vận hành liên hồ chứa, cắm lại mốc ngập lũ của các lòng hồ để có phương án phòng tránh, xử lý; xây dựng hệ thống thông tin, cảnh báo lũ sớm.

Liên quan đến vấn đề lũ lụt miền Tây của tỉnh, trao đổi với phóng viên trong ngày 4/9/2018 tại huyện Tương Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Văn Thông cho rằng: “Chúng ta ghi nhận những đóng góp của các Nhà máy thủy điện trong nhiều năm qua. Nhưng từ các đợt lũ lụt trong tháng 8/2018, cần đánh giá những tác động của các nhà máy thủy điện. Đánh giá để đề ra được những giải pháp khắc chế, triệt tiêu những hệ lụy; đồng thời qua đó để các nhà máy thủy điện phải nhìn nhận, có sự điều chỉnh và có trách nhiệm với xã hội…”.

Lũ lụt vùng cao là một nghịch cảnh đã gây những thiệt hại to lớn về tài sản cho nhân dân miền Tây xứ Nghệ, bên cạnh đó còn tạo ra tâm lý lo lắng, bất ổn cho nhân dân. Bởi vậy, sau những đợt lũ lụt vừa qua, các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Nghệ An phải nhìn nhận sự bất ổn lâu dài để tiến tới việc cần có những phương án nhằm hạn chế tác hại của các dự án thủy điện gây nên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần