Đề xuất thí điểm xây dựng 100.000 nhà ở cho thuê

Hiện thực hóa giấc mơ an cư cho người lao động

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã đề nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm đầu tư xây dựng 5 - 10 khu nhà ở cho công nhân thuê, đáp ứng cho 50.000 - 100.000 công nhân được thuê nhà ở…

Đề xuất này đang nhận được nhiều ý kiến ủng hộ và được đánh giá là hành động thiết thực góp phần giúp người lao động có được nơi an cư lạc nghiệp.

Nhà ở xã hội dành cho công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh. Ảnh: Phạm Hùng
Nhà ở xã hội dành cho công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh. Ảnh: Phạm Hùng

Thiếu trầm trọng nhà ở cho công nhân

Thấu hiểu vấn đề nhà ở là ước mong chính đáng của công nhân, mới đây, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có kiến nghị gửi Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp.

Theo đánh giá của Tổng LĐLĐ Việt Nam, vấn đề nhà ở đang là nhu cầu bức thiết nhất đối với người lao động. Thực tế còn số lượng lớn công nhân, đặc biệt là công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất chưa có nhà ở, trong khi số lượng nhà ở xã hội (NƠXH), khu lưu trú cho công nhân còn thấp so với nhu cầu. Cụ thể, theo thống kê hiện nay, có 3,78 triệu công nhân, người lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong số đó có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở.

Từ thực tế này, để giảm bớt khó khăn về nhà ở cho công nhân, Chính phủ đã thực hiện nhiều dự án NƠXH. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách, bố trí nguồn vốn ưu đãi và đôn đốc các địa phương thực hiện các giải pháp phát triển nhà ở. Cụ thể như, các dự án NƠXH được miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án, cho vay ưu đãi lãi suất thấp...

“Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong xây dựng NƠXH, nhà ở cho công nhân. Trước hết là thiếu nguồn vốn, nhất là khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, nguồn vốn dành cho phát triển NƠXH càng hạn chế. Sau đó là thiếu quỹ đất, do việc thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch còn chậm. Bên cạnh đó, tại một số địa phương, công tác thẩm định, phê duyệt quy hoạch phải trải qua nhiều khâu, nhiều thủ tục dẫn đến thời gian hoàn thành công việc bị kéo dài” - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang phân tích.

Vì vậy, để giải quyết những khó khăn, nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở của công nhân, Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị Chính phủ chỉ đạo giảm bớt thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư dự án; cho phép tách dự án bồi thường giải phóng mặt bằng thành dự án riêng biệt triển khai trước hoặc đồng hành với dự án xây dựng thiết chế Công đoàn.

Cùng với đó, chỉ đạo UBND tỉnh, TP ban hành kế hoạch cụ thể tại các dự án nhà ở cho công nhân. Ngân hàng Nhà nước xem xét cho vay ưu đãi dự án nhà ở công nhân theo hướng trong một dự án có cả hai đối tượng cùng được vay ưu đãi: Chủ đầu tư và người mua/thuê nhà ở. Ngoài ra, xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định của pháp luật nhằm tạo cơ chế thuận lợi trong xây dựng nhà ở cho công nhân.

Nhà ở xã hội dành cho công nhân. Ảnh: Phạm Hùng
Nhà ở xã hội dành cho công nhân. Ảnh: Phạm Hùng

An cư không còn là giấc mơ

Khi vừa xuất hiện, lập tức đề xuất này của Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thu hút sự quan tâm lớn từ phía dư luận. Trong đó, đa phần các ý kiến bày tỏ ủng hộ khi cho rằng xây dựng nhà ở cho công nhân thuê không chỉ biến ước mơ an cư lạc nghiệp của hàng nghìn công nhân thành hiện thực, mà còn là một bước đi quan trọng trong những vấn đề cốt lõi của chiến lược an sinh xã hội.

Liên quan đến đề xuất nói trên của Tổng LĐLĐ Việt Nam, chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, chị N.T.V.A (quê Đắk Nông), làm việc tại một khu công nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hơn 10 năm nay cho biết, hiện gia đình chị vẫn đang sống trong căn nhà thuê của dân rộng khoảng 30m2, có giá 4 triệu đồng/tháng.

“Tiền lương chỉ đủ trả tiền thuê nhà, ăn uống và đóng tiền học cho con. Hơn 10 năm làm lụng vất vả, gia đình tôi không có nhiều tiền tiết kiệm. Nếu được thuê nhà ở dành cho công nhân trong khu công nghiệp đang làm, tôi nghĩ gia đình mình không chỉ được sống trong khu nhà bảo đảm an toàn, không gian sống sạch sẽ, mà sẽ còn tiết kiệm được ít tiền phòng lúc bệnh tật ốm đau” - chị N.T.V.A bày tỏ.

Cũng như chị N.T.V.A, gia đình anh L.T.T cũng mong ước an cư: “Hơn 15 năm rời Quảng Ngãi vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp, tôi khao khát có một nơi ở tốt để ổn định cuộc sống. Năm 2016, tôi chạy lo thủ tục vay gói 30.000 tỷ đồng để mua NƠXH trên đường Trung Mỹ Tây, quận 12 nhưng hồ sơ không đạt”. Khi biết tin Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất xây hàng trăm nghìn nhà ở cho công nhân thuê, anh L.T.T rất phấn khởi, mong đề xuất này sớm được triển khai, để gia đình được ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp.

Cần có Luật Nhà cho thuê

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về đề xuất nói trên, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang đánh giá cao đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Đồng thời nhận định, tạo nhà ở cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp là việc phải bắt tay vào làm ngay, nhằm giải quyết nhu cầu cấp thiết trước mắt.

“Sau đợt dịch Covid-19, đã xuất hiện làn sóng người lao động ào ạt bỏ TP về quê sinh sống, mà một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là nhà ở của công nhân không đảm bảo. Do đó, mục tiêu quan trọng là phải tìm các giải pháp để ổn định nơi ở cho người lao động một cách tốt hơn” - ông Quang nói và nhấn mạnh, đề xuất Tổng LĐLĐ Việt Nam rất thiết thực, song nếu được chấp thuận trong quá trình triển khai chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn do còn nhiều bất cập như quy hoạch xây dựng nhà ở công nhân chưa đồng bộ với khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Các chủ đầu tư hiện đang “bỏ quên” người lao động, chỉ tập trung vào nhà ở mang tính chất lợi nhuận. Chưa kể, việc xây dựng nhà ở cho công nhân còn vướng một số quy định của các luật như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản…

Đặc biệt, chuyên gia Trần Khánh Quang nhấn mạnh, xây nhà ở cho công nhân dù là nhà thuê, cũng cần xác định là phải chuẩn bị cả nhà cho hộ gia đình, xung quanh có đầy đủ trạm y tế, nhà trẻ, trường học... Đồng thời lưu ý, chất lượng nhà ở phải đặt lên hàng đầu chứ không phải là giá rẻ, bởi nhà giá rẻ thì nhanh xuống cấp, chi phí sửa chữa tốn kém, vượt khả năng chi trả của người lao động vốn đã khó khăn về tài chính.

Đồng quan điểm, chuyên gia bất động sản Nguyễn Văn Đực cũng cho rằng, bên cạnh việc xây NƠXH để bán, thì phát triển nhà ở cho thuê là một chính sách đặc biệt, căn cơ mà Nhà nước có thể tính tới trong phương án giải quyết bài toán về nhà ở cho công nhân.

“Vấn đề nhà ở cho công nhân thuê đã từng được Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị từ 6 năm trước. Đây là một đề xuất đúng đắn nhưng khó thực hiện vì mang tầm chính sách quốc gia. Cụ thể, để bắt tay vào làm, trước hết phải có Luật Nhà cho thuê, Luật Xây dựng nhà cho thuê. Vì tiêu chuẩn nhà cho thuê phải thấp hơn nhà ở thương mại, phải có luật rõ ràng thì DN mới có cơ sở để thực hiện” - ông Nguyễn Văn Đực nói.

Theo ông Đực, lần này nếu Tổng LĐLĐ Việt Nam quyết tâm thực hiện thành công đề xuất nhân văn này, bắt buộc phải có sự đồng hành, tham gia của Bộ Xây dựng và chính quyền các địa phương. “Khi đã có luật, sự đồng hành của các cơ quan Nhà nước liên quan, thì vấn đề cốt lõi tiếp theo là quỹ đất, tài chính. Đây là trách nhiệm của Nhà nước, không thể phó thác hay trông chờ vào DN” - ông Đực nói thêm.

 

Để đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam thành công, cần đưa ra một hệ thống giải pháp tổng hợp, đa ngành. Trong đó, bổ sung gói tín dụng cho các chủ đầu tư xây nhà ở cho công nhân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nhà ở cho các đối tượng yếu thế (người thu nhập thấp, công nhân). Đồng thời thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, tháo gỡ khó khăn cho DN gắn với hỗ trợ phát triển thị trường nhà ở và bất động sản.

Chuyên gia bất động sản Nguyễn Văn Đực