70 năm giải phóng Thủ đô

Hiệu quả từ tinh thần đổi mới, sáng tạo

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, gắn với nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, đã tạo động lực để TP Hà Nội giành được những kết quả quan trọng trong triển khai các nghị quyết năm 2023.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng thăm hỏi, động viên công nhân, người lao động tại dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô nhân dịp Tết Nguyên đán trên địa bàn huyện Hoài Đức. Ảnh: Thanh Hải
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng thăm hỏi, động viên công nhân, người lao động tại dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô nhân dịp Tết Nguyên đán trên địa bàn huyện Hoài Đức. Ảnh: Thanh Hải

Đây là tiền đề để TP tiếp tục đổi mới, tạo đột phá trong năm 2024.

Tạo những bước đột phá trong phát triển

“Đảng bộ TP Hà Nội đã thực hiện rất tốt Nghị quyết của Đảng bộ TP trên nhiều phương diện, với một khối lượng công việc lớn và mới được triển khai hiệu quả trên tinh thần đổi mới, sáng tạo, không chỉ tạo ra những đột phá nổi trội về phát triển kinh tế - xã hội, diện mạo đô thị, mà cả đổi mới trong hoạt động của hệ thống chính quyền đô thị…” - đây là nhận định được nhiều chuyên gia đưa ra khi nhìn lại năm 2023, năm đánh dấu nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII.

Năm 2023 là năm thứ ba liên tiếp, Hà Nội thực hiện chủ đề công tác “Kỷ cương, kỷ luật, hành động, sáng tạo, phát triển”. 5 thành tố của chủ đề này cũng chính là 5 đặc điểm chủ yếu trong phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng TP Hà Nội mà đứng đầu là Thành ủy kiên trì xây dựng. Với việc nâng cao công tác xây dựng Đảng, cùng tinh thần xuyên suốt là đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; phân công, phân cấp, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, từ đó phương thức lãnh đạo của Thành ủy và các cấp ủy được lan tỏa mạnh mẽ, quyết liệt tới cơ sở.

Như lãnh đạo TP đã nhận định, Hà Nội đã đẩy mạnh đổi mới phương thức lãnh đạo thông qua các chủ trương rất quyết liệt, đụng chạm đến những lĩnh vực rất khó như phân cấp, ủy quyền; luân chuyển, điều động; đổi mới cơ cấu tổ chức bộ máy, bố trí sắp xếp cán bộ... Trong đó đã có những quyết định mang tính đột phá, với những bước đi vững chắc, chương trình hành động thích hợp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ. Đây cũng là nguyên nhân giúp Hà Nội triển khai các nghị quyết trong năm 2023 đạt kết quả toàn diện.

Trong bối cảnh khó khăn, kinh tế Hà Nội vẫn bền bỉ tăng trưởng, mức tăng GRDP 6,27% năm 2023, tuy chưa đạt mục tiêu của TP song vẫn cao hơn tăng trưởng chung của cả nước là 5,05%; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn TP đạt 410.510 tỷ đồng (vượt 16,3% dự toán, tăng 23% so với năm 2022).Thu nhập của người dân vì thế tiếp tục cải thiện, lên mức bình quân 150 triệu đồng/người/năm.

Với một lĩnh vực trọng tâm là quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Thường trực, Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã phân công từng đồng chí theo dõi địa bàn rà soát hằng ngày; ngoài ra, với từng dự án thành phần, đều có báo cáo hằng tháng. Đến ngày 15/1/2024, TP Hà Nội đã giải ngân được 50.690 tỷ đồng, đạt 108% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 95,5% kế hoạch TP giao (bao gồm cả số vốn giao bổ sung tháng 12/2023), đạt mục tiêu đề ra từ đầu năm 2023. Với kết quả này, Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Đặc biệt, TP đã thực hiện nhiều công việc quan trọng mang tính chiến lược, dài hơi, tạo tiền đề cho sự phát triển của Thủ đô giai đoạn tới. Trong đó, tinh thần dám nghĩ, dám làm, ý chí quyết tâm được các cấp ủy Đảng mà đứng đầu là Thành ủy thể hiện rõ trong chỉ đạo triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Chỉ sau 1 năm kể từ khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự án, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, Hà Nội đã đi đầu thực hiện vượt tiến độ giải phóng mặt bằng, khởi công sớm hơn kế hoạch. Đến nay, giải phóng mặt bằng toàn dự án đã đạt hơn 93%, riêng Hà Nội đạt hơn 96%, tiến độ triển khai dự án rất khả quan để về đích đúng tiến độ.

Hà Nội cũng triển khai các bước rất quan trọng hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng phát triển Thủ đô với 3 nội dung lớn. Đó là phối hợp xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để tháo gỡ khó khăn về thể chế; Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để bố trí không gian phát triển. Cả ba nhiệm vụ đến nay đều đã cho kết quả tốt. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến với sự đồng thuận rất cao tại Kỳ họp thứ 6. HĐND TP đã thông qua Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các báo cáo quan trọng đã được hoàn thành.

Tăng cường kỷ cương, trách nhiệm

Hà Nội đã bước vào năm 2024 – năm kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng bộ TP Hà Nội (17/3/1930 – 17/3/2024), 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 1/0/10/2024), năm rất quan trọng để Hà Nội thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII, với tinh thần xuyên suốt là đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Từ đó, góp vào hiện thực mục tiêu cao hơn, xa hơn, để đưa Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh và bền vững, trở thành TP “xanh - thông minh - hiện đại”, phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực, quốc tế...

Trong đó, ngay từ những ngày đầu năm 2024, các cấp ủy, đơn vị từ TP đến cơ sở đã vào cuộc quyết liệt trong thực hiện 24 chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra. Trong đó, tiếp tục thực hiện chủ đề công tác năm là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” gắn với tăng cường thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP Hà Nội”. Đồng thời, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh…

Cùng với đó, TP đang hướng tới mục tiêu trình và được Quốc hội thông qua ba nội dung quan trọng là Luật Thủ đô (sửa đổi) và 2 quy hoạch mang tầm chiến lược của Thủ đô (điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050) vào Kỳ họp thứ 7 diễn ra tháng 5/2024. Đồng thời, hiện lãnh đạo TP Hà Nội đang chỉ đạo các cơ quan chủ động chuẩn bị sẵn sàng các nội dung cần thiết để khi các nội dung này được thông qua, nhất là Luật Thủ đô (sửa đổi) có thể triển khai, đưa vào đời sống, phát huy hiệu quả được ngay.

Những ngày này, song song với việc chỉ đạo chuẩn bị tổ chức các ngày lễ lớn, chăm lo Tết cho Nhân dân, TP Hà Nội cũng tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và các đồ án, dự án, công trình trọng tâm, trọng điểm của TP. Để thực hiện tốt được những nhiệm vụ này, TP tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 24 nhằm tạo chuyển biến về thực chất trong tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong hệ thống chính trị; gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số; tăng cường phân cấp, ủy quyền, cải cách hành chính để xây dựng chính quyền phục vụ, thực sự vì dân.

 

Xác định kỷ cương là sức mạnh, Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã trở thành chủ đề sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ, tạo ra bước chuyển đột phá về kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm trong giải quyết công việc của hệ thống chính trị. Đồng thời khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, tạo cộng hưởng làm cho việc đổi mới phương thức lãnh đạo càng thêm mạnh mẽ.