Dự báo đến năm 2038, nhóm người cao tuổi Việt Nam sẽ chiếm đến 20% tổng dân số. Đến năm 2050, Việt Nam sẽ tương đương với các nước có dân số già nhất như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Phần lớn người cao tuổi nước ta có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp, không ổn định hoặc không có thu nhập, sống phụ thuộc vào con, cháu, người thân. Tỷ lệ người cao tuổi thuộc hộ nghèo cao (khoảng hơn 20%). Số lượng người cao tuổi có lương hưu, bảo hiểm, trợ cấp xã hội thấp cả về độ bao phủ và mức hưởng.
Hiện nay, khoảng 70% người cao tuổi ở Việt Nam sống tại khu vực nông thôn là nông dân và làm nông nghiệp; trên 70% người cao tuổi không có tích lũy vật chất và chỉ có chưa đầy 30% người cao tuổi sống bằng lương hưu hay trợ cấp.
“Vấn đề hướng nghiệp, đào tạo nghề, tạo việc làm cho người cao tuổi, đặc biệt là trong bối cảnh khi Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số và tác động sau đại dịch Covid-19 hiện nay được đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách. Vì như vậy vừa bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của người cao tuổi; vừa tận dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này, góp phần đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội của đất nước” – Ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp – Bộ LĐTB&XH cho biết.
Trước tình hình này, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Phan Văn Hùng đề xuất một số giải pháp. Đó là xây dựng các chương trình, dự án đào tạo hỗ trợ về chuyển đổi nghề hoặc nâng cao năng lực cho lao động cao tuổi đáp ứng theo nhu cầu của thị trường lao động. Đồng thời, triển khai các mô hình đào tạo tại chỗ, đào tạo tại cộng đồng, bảo đảm các lao động có đủ khả năng và nhu cầu được tham gia.
Cùng với đó là nghiên cứu, xây dựng các chương trình đào tạo “đặc thù” phù hợp với điều kiện, khả năng tiếp thu của từng nhóm lao động cao tuổi; tổ chức đào tạo kỹ năng cơ bản về sử dụng máy tính, các phần mềm ứng dụng trong các nhóm nghề đặc thù để người cao tuổi có thể tìm và đảm nhiệm được công việc trong bối cảnh chuyển đổi số.