Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoạt động chỉ đạo, điều hành của UBND TP từ 30/12/2019 - 6/1/2020

Công Thọ - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP cung cấp thông tin về một số hoạt động chỉ đạo - điều hành nổi bật từ ngày 30/12/2019-06/01/2020.

Xây dựng lực lượng vũ trang Bộ Tư lệnh Thủ đô có chất lượng tổng hợp,  sức chiến đấu cao
Để thực hiện tốt Chỉ thị của Thành ủy về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020, Chủ tịch UBND Thành phố đã ký ban hành Chỉ thị số 22/CT-UBND ngày 31/12/2019 yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, các cơ quan, tổ chức và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
Tổ chức thực hiện nghiêm túc Luật Quốc phòng, Luật Dân quân tự vệ, Luật Dự bị động viên và các văn bản liên quan. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết của Bộ Chính trị (khóa X); các văn bản của Thủ tướng Chính phủ và của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác quốc phòng, quân sự và tăng cường bảo đảm an ninh trật tự trong tình hình mới…
Xây dựng lực lượng vũ trang Bộ Tư lệnh Thủ đô có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao. Điều chỉnh, bổ sung hệ thống văn kiện, phương án tác chiến; tổ chức lực lượng, phương tiện đủ mạnh, thường xuyên luyện tập nâng cao khả năng cơ động và hiệp đồng tác chiến, xử lý kịp thời các tình huống, không để bị động bất ngờ; nắm chắc tình hình, phát hiện sớm, chủ động đấu tranh ngăn ngừa, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trên địa bàn, đặc biệt là thời điểm diễn ra Đại hội Đảng các cấp và các Hội nghị quốc tế tổ chức tại Hà Nội. Hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị quân đội đứng chân, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn kịp thời, hiệu quả.
Làm tốt công tác giáo dục quốc phòng toàn dân, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, trọng tâm là đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp. Thực hiện có nền nếp công tác đăng ký, quản lý lực lượng, phương tiện dự bị động viên và dân quân tự vệ. Chỉ đạo xây dựng, kiện toàn tổ chức biên chế, nâng cao chất lượng huấn luyện lực lượng thường trực, dự bị động viên, dân quân tự vệ đạt kết quả tốt, bảo đảm an toàn; rà soát tổ chức xây dựng lực lượng tự vệ ở các doanh nghiệp theo quy định; xây dựng, ban hành quy định thời gian huy động đơn vị dân quân tự vệ thực hiện nhiệm vụ trong các trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ và công tác động viên quân đội bảo đảm đúng luật, chất lượng cao. Tiếp tục triển khai xét duyệt, đăng ký dự thi tuyển sinh và đào tạo cán bộ trình độ Trung cấp, Cao đẳng, Đại học ngành quân sự cơ sở đúng, đủ chỉ tiêu Bộ Quốc phòng giao; chỉ đạo huấn luyện, diễn tập chiến đấu phòng thủ, hội thi, hội thao các cấp đạt kết quả cao, an toàn tuyệt đối. Kiện toàn các Hội đồng, Ban Chỉ đạo về quốc phòng, quân sự và duy trì hoạt động hiệu quả. Kiện toàn đủ đội ngũ cán bộ quân sự ở cơ sở, bảo đảm đủ tiêu chí để Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã, phường, thị trấn tham gia cấp ủy địa phương, ủy viên UBND.
Thực hiện nghiêm Luật Đất đai năm 2013; Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Kiểm tra, rà soát, bổ sung, điều chỉnh Quy hoạch Thế trận quân sự khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội. Tiếp tục chỉ đạo xây dựng công trình phòng thủ của Thành phố. Chủ động phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan, đẩy nhanh tiến độ, hoàn tất các thủ tục giao đất sử dụng cho mục đích quốc phòng. Quán triệt thực hiện nghiêm Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020. Tham gia ý kiến thẩm định các quy hoạch ngành, lĩnh vực; các đồ án, dự án phát triển kinh tế - xã hội, khai thác khoáng sản trên địa bàn Thành phố. Tiếp tục đầu tư ngân sách mua sắm trang bị, phương tiện phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và nâng cấp trang, thiết bị Sở Chỉ huy; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới Sở Chỉ huy, doanh trại các đơn vị. Nâng cấp hệ thống kho cất chứa vũ khí trang bị kỹ thuật, khai thác có hiệu quả các loại vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại mới mua sắm, nâng cao khả năng cứu hộ, cứu nạn, phòng chống lụt bão khi có tình huống.
Quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Ban Bí thư về tổ chức kỷ niệm một số ngày lễ lớn trong năm 2020, nhất là kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng, 45 năm Ngày thống nhất đất nước, 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thực hiện tốt chính sách đối với Quân đội và hậu phương quân đội. Phát huy vai trò các đơn vị quân đội đóng quân, phối hợp thực hiện có hiệu quả phong trào “Bộ đội và Dân quân tự vệ Thủ đô chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tiếp tục làm tốt công tác đối ngoại Quốc phòng.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của các sở, ngành, cơ quan, tổ chức và các quận, huyện, thị xã.
Hết tháng 11/2019, Thành phố hoàn thành 10 dự án và hạng mục dự án trọng điểm của Thành phố giai đoạn 2016 - 2020
Báo cáo Thành ủy tiến độ triển khai các công trình trọng điểm của Thành phố giai đoạn 2016-2020 đến hết tháng 11/2019, trên địa bàn Thành phố đã hoàn thành 10 dự án và hạng mục dự án sử dụng vốn ngân sách theo mục tiêu ban đầu, bao gồm: 09 dự án: (1) Cầu vượt ô Đông Mác - Nguyễn Khoái; (2) Cầu vượt tại nút giao giữa đường Cổ Linh và đường đầu cầu Vĩnh Tuy; (3) Bệnh viện Phụ sản Hà Nội - giai đoạn II; (4) Bệnh viện Thanh Nhàn - giai đoạn II; (5) Công viên hồ điều hòa Nhân Chính, Thanh Xuân; (6) Cầu vượt nút giao An Dương - đường Thanh Niên (Công trình cầu đã hoàn thành, thông xe ngày 11/10/2018; đang thực hiện hạng mục bổ sung đoạn tuyến từ Khách sạn Thắng Lợi đến cầu Nhật Tân, L = 3,70Km); (7) Trung tâm giao dịch công nghệ thường xuyên Hà Nội - Khu liên cơ Võ Chí Công; (8) Vành đai III đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long; (9) Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa; 01 hạng mục Cải tạo nút giao đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch thuộc dự án Nút giao Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc. 14 dự án đang thi công xây dựng; 15 dự án và 01 hạng mục dự án đang chuẩn bị thực hiện và hoàn thiện thủ tục. 16 dự án chưa triển khai thủ tục đầu tư.
 Cầu vượt nút giao An Dương - đường Thanh Niên (Công trình cầu đã hoàn thành, thông xe ngày 11/10/2018).
Đánh giá chung về tiến độ triển khai các công trình trọng điểm của Thành phố giai đoạn 2016 - 2020: UBND Thành phố đã quyết liệt chỉ đạo, điều hành đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm (cân đối bố trí vốn ở mức cao, đáp ứng nhu cầu; cho phép thực hiện cơ chế ứng vốn linh hoạt để đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư và GPMB; thường xuyên đôn đốc, giao ban kiểm điểm tiến độ; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của từng dự án); các Sở, ngành đã chủ động trong công tác tham mưu thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ dự án; Chính quyền địa phương và Chủ đầu tư đã tích cực trong triển khai công tác GPMB và thực hiện nhiệm vụ được giao. Kết quả đến nay, trong tổng số 55 dự án có: 10 dự án, hạng mục dự án Ngân sách hoàn thành, cơ bản hoàn thành theo mục tiêu ban đầu; 14 dự án đang tập trung đẩy nhanh tiến độ; 15 dự án và hạng mục dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư; 16 dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Một số tồn tại: tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đã giao của nhiều dự án sử dụng vốn Ngân sách và ODA còn chậm so với yêu cầu; đặc biệt là nhóm các dự án chuẩn bị đầu tư theo hình thức PPP phải tạm dừng chờ Nghị định hướng dẫn việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng BT; đến ngày 15/8/2019 Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2019/NĐ-CP và có hiệu lực từ ngày 01/10/2019. Dự kiến đến hết 2020 có 15 dự án hoàn thành, cơ bản hoàn thành đáp ứng tiến độ tại Nghị quyết số 15/NQ-HĐND (gồm 12 dự án sử dụng vốn Ngân sách, 02 dự án đầu tư theo hình thức PPP, 01 dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa)…
Các giải pháp thực hiện trong thời gian tới: tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, đôn đốc tiến độ; tập trung quyết liệt trong công tác GPMB; xây dựng kế hoạch tiến độ chi tiết từng dự án, đánh giá tiến độ; Đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án; rà soát chuyển đổi hình thức đầu tư dự án; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát dự án đầu tư; kịp thời đề xuất khen thưởng Chủ đầu tư/Nhà đầu tư triển khai nhanh, đáp ứng tiến độ, chất lượng hoặc xử lý đối với những trường hợp vi phạm, chậm tiến độ.
Giảm 10 cơ quan báo chí sau thực hiện sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí Thành phố đến năm 2025
Với mục tiêu sắp xếp hệ thống báo chí thành phố Hà Nội gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí để phát triển hệ thống báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử; khắc phục tình trạng chồng chéo, đầu tư dàn trải, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích; xây dựng cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng dư luận xã hội, thông tin đối ngoại; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phòng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới; nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, quản lý báo chí của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người đứng đầu cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí thành phố Hà Nội, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 18/QĐ-UBND ngày 02/01/2020 phê duyệt Đề án sắp xếp phát triển và quản lý báo chí thành phố Hà Nội đến năm 2025 thực hiện sắp xếp 15/20 cơ quan báo chí. Theo đó, trong giai đoạn 01 - từ khi Đề án được phê duyệt đến hết năm 2020 có 03 cơ quan báo chí không phải sắp xếp; 15 cơ quan báo chí phải sắp xếp, trong đó: dừng hoạt động 6 tạp chí; dừng hoạt động 3 cơ quan báo; giữ ổn định 4 cơ quan báo; sáp nhập 01 cơ quan báo; chuyển đổi mô hình hoạt động 01 cơ quan báo.
 Hà Nội còn 8 cơ quan báo chí, trong đó, 5 báo in gồm: Hà Nội mới; Kinh tế và Đô thị; Phụ nữ Thủ đô; Lao động Thủ đô; Tuổi trẻ Thủ đô.
Kết quả sau sắp xếp còn 08 cơ quan báo chí: 05 báo, 02 tạp chí, 01 Đài PT-TH Hà Nội; giảm 10 cơ quan báo chí, cụ thể như sau:
5 báo in: Hà Nội mới; Kinh tế và Đô thị; Phụ nữ Thủ đô; Lao động Thủ đô; Tuổi trẻ Thủ đô.
02 tạp chí: Khoa học (thuộc trường ĐH Thủ đô); Văn học và Nghệ thuật HN.
01 phát thành truyền hình: Đài PT-TH Hà Nội.
Giai đoạn II: từ ngày 01/01/2021 đến hết năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp; ổn định hoạt động và nâng cao chất lượng, hiệu quả các cơ quan báo chí Thành phố sau sắp xếp. Xác định cơ quan báo chí chủ lực, nòng cốt thực hiện nhiệm vụ chính trị, định hướng thông tin tạo đồng thuận trong xã hội. Đối với báo tin và tạp chí: hoạt động theo mô hình một cơ quan báo in có nhiều ấn phẩm; đổi mới hình thức, nội dung. Đối với báo điện tử và tạp chí điện tử: tập trung phát triển báo điện tử có kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tính tương tác cao, định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền và thông tin đối ngoại (bằng tiếng việt và tiếng nước ngoài); đổi mới công nghệ, trở thành công cụ hữu hiệu định hướng thông tin mạng. Đối với phát thanh, truyền hình: Đài PT-TH Hà Nội hoàn thiện tổ chức nhân sự theo mô hình tinh gọn, hiệu quả; đẩy mạnh cung cấp trên mạng internet; đầu tư thiết bị chuyên ngành và hệ thống an ninh, an toàn trong phát sóng; sản xuất chương trình truyền hình theo tiêu chuẩn kỹ thuật hiện đại.
Tiếp nhận và xử lý các thông tin về công tác lễ hội qua số điện thoại: 0869.295538
Nhằm tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2020 diễn ra an toàn, tiết kiệm, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân Thủ đô đón Tết, vui Xuân, khắc phục một số tồn tại của lễ hội năm 2019, tại văn bản số 5803/UBND-KGVX ngày 31/12/2019, UBND Thành phố yêu cầu hủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc các yêu cầu sau:
Tăng cường tuyên truyền thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy về công tác tổ chức lễ hội. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phân công cán bộ trực tiếp theo dõi diễn biến trong lễ hội trên địa bàn, kiên quyết xử lý những vi phạm quy định về tổ chức lễ hội, đặc biệt là các lễ hội lớn như gò Đống Đa, Chùa Hương, đền Hai Bà Trưng, đền Sóc, đền Cổ Loa, đền Và, chùa Trầm, chùa Trăm Gian, chùa Thầy, Thăng Long Tứ trấn, phủ Tây Hồ… Niêm yết công khai Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại những điểm có lễ hội diễn ra để du khách thực hiện sinh hoạt tín ngưỡng, thăm quan di tích, dự lễ hội biết, thực hiện.
 Lễ hội Gióng, huyện Sóc Sơn năm 2019. 
Giao Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn; tiếp nhận và xử lý các thông tin về công tác lễ hội qua số điện thoại: 0869.295538. Đề xuất biểu dương, khen thưởng các đơn vị tổ chức tốt, phê bình, nhắc nhở các đơn vị để xảy ra sai phạm trong công tác tổ chức lễ hội năm 2020, báo cáo UBND Thành phố.
Giao UBND các quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành; trực tiếp chỉ đạo quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn theo đúng quy định. Kiểm soát chặt chẽ tổ chức phần lễ và phần hội; sắp xếp, bố trí các địa điểm đón tiếp hợp lý; đảm bảo an ninh trật tự an toàn, phòng chống cháy nổ, giữ gìn và bảo vệ các di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và khu vực tổ chức lễ hội. Kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng tăng, ép giá, đeo bám khách du lịch, ăn xin, trộm cắp, bói toán, mê tín dị đoan, cờ bạc dưới mọi hình thức. Quy hoạch, sắp xếp lại khu dịch vụ đảm bảo tất cả các khu vực I của di tích không được kinh doanh ăn uống; xử lý triệt để các vi phạm về kinh doanh ăn uống không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mất mỹ quan, gây phản cảm. Đảm bảo vệ sinh môi trường, tăng cường bố trí các thùng thu gom rác, bố trí khu vực vệ sinh thuận tiện, sạch sẽ. Thực hiện công bố công khai quy hoạch các điểm vui chơi, giải trí trong khu vực lễ hội; quản lý đốt vàng mã đúng nơi quy định; quản lý và sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch, đúng mục đích; nghiêm cấm hoạt động đổi tiền lẻ tại các di tích và lễ hội.
Đối với các đơn vị hoạt động lễ hội diễn ra trên sông nước phải xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn cho nhân dân và du khách tham gia lễ hội; chấp hành nghiêm các quy định của Luật giao thông đường thủy nội địa.
Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường trên địa bàn Thành phố
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước, ngày 3/01/2020, UBND Thành phố ban hành văn bản giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, tham mưu UBND Thành phố thành lập, kiện toàn Đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường trên địa bàn Thành phố đảm bảo đúng quy định của Luật Thanh tra; hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã về tổ chức và hoạt động của Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với kinh doanh dịch vụ karaoka, dịch vụ vũ trường trên địa bàn địa phương quản lý.
Giao các sở, ban, ngành: Công an Thành phố, Cục quản lý thị trường, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Lao động, Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoka, dịch vụ vũ trường. UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ quyết định phân cấp cấp Giấy phép kinh doanh karaoke trên địa bàn phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoka, dịch vụ vũ trường.
Trước ngày 20/01/2020, báo cáo kết quả xử lý 10 vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều
Xét báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về kết quả xử lý 10 vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều xảy ra tháng 8 năm 2019 trên địa bàn quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Sóc Sơn, Ba Vì, Phú Xuyên, Quốc Oai và Thanh Oai; liên quan công tác quản lý, xử lý vi phạm về pháp luật đê điều, UBND Thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo UBND quận, huyện, thị xã ngăn chặn, xử lý ngay các vụ việc vi phạm mới từ khi phát sinh. Đối với 10 vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều xảy ra tháng 8 năm 2019, UBND Thành phố đã có văn bản yêu cầu xử lý dứt điểm trước ngày 05/10/2019, tuy nhiên đến nay mới xử lý được 01 vụ ở huyện Ba Vì, các vụ việc khác vẫn tồn tại. UBND Thành phố ra văn bản số 42/UBND-KT ngày 6/01/2020 yêu cầu Chủ tịch UBND quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Sóc Sơn, Ba Vì, Phú Xuyên, Quốc Oai, Thanh Oai nghiêm túc rút kinh nghiệm việc không kịp thời thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố.
Yêu cầu Chủ tịch UBND quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Sóc Sơn, Ba Vì, Phú Xuyên, Quốc Oai, Thanh Oai tập trung chỉ đạo, kiên quyết xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều xảy ra trong tháng 8 năm 2019 trên địa bàn Quận, Huyện đúng quy định pháp luật, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 15/01/2020 và ngăn chặn, xử lý ngay các vụ việc vi phạm mới từ khi phát sinh. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện chỉ đạo trên, tổng hợp báo cáo UBND Thành phố trước ngày 20/01/2020.