[Hoạt động từ thiện - hướng đến chuyên nghiệp hóa, đúng luật] Bài cuối: Cấp thiết hoàn thiện hành lang pháp lý

Đạt Lê – Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước hàng loạt vụ lùm xùm xung quanh hoạt động thiện nguyện của các nghệ sĩ, đa số mang tính tự phát, thiếu công khai, minh bạch… Các chuyên gia pháp lý cho rằng, để hoạt động này mang đúng ý nghĩa nhân văn của nó cần tính đến những giải pháp dài lâu, chuyên nghiệp hóa; cơ quan quản lý cần thiết ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ, kịp thời, giúp minh bạch, tạo hành lang pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động từ thiện.

Sớm tạo hành lang pháp lý
Thực tế cho thấy, hiện nay các tổ chức chính trị xã hội như MTTQ, các đoàn thể đều minh bạch trong việc vận động tài trợ từ thiện, phải báo cáo khi cần. Nhưng một số nghệ sĩ vận động người ủng hộ chuyển thẳng tiền vào tài khoản cá nhân mà không ai quản lý, giám sát. Do đó, việc ban hành các quy tắc, văn bản quy phạm pháp luật một cách đầy đủ, kịp thời là cần thiết, giúp minh bạch, tạo hành lang pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động từ thiện.

Vừa qua, Bộ VHTT&DL đưa ra dự thảo bộ Quy tắc ứng xử (QTƯX) dành riêng cho giới nghệ sĩ hoạt động trong đơn vị công lập và tự do với mục đích nhằm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, nâng cao ý thức trách nhiệm, từng bước hình thành chuẩn mực đạo đức trong hành vi ứng xử của nghệ sĩ. Trong bộ QTƯX có nội dung yêu cầu nghệ sĩ không phát ngôn phản cảm, phải minh bạch hoạt động từ thiện.
 Thủy Tiên nhận 18.000 trang sao kê tài khoản từ thiện hôm 17/9 tại ngân hàng ở TP Hồ Chí Minh.
Theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, bản chất của Bộ QTƯX là định hướng hành vi của nghệ sĩ, không mang tính chất ràng buộc, không mang tính chế tài. Hình thức bắt buộc thuộc vào các quy định, quy phạm pháp luật khác. Tuy nhiên, Bộ QTƯX góp phần rất tốt để định hướng hành vi cho các nghệ sĩ, nâng cao hiểu biết cho nghệ sĩ để biết việc nào nên làm, không nên làm, phải làm, không được phép làm trong hoàn cảnh, hoạt động nhất định.

Nhìn chung, Bộ QTƯX cũng tạo ra sự đồng thuận của xã hội trong việc đánh giá, nhìn nhận hành vi của nghệ sĩ, tốt cho môi trường chung của xã hội. Tuy nhiên, để Bộ QTƯX có thể thực sự trở thành kim chỉ nam cho nghệ sĩ soi chiếu cần tiếp tục bổ sung, để định hướng rõ ràng việc nào nên làm, không nên làm, phải làm và không được phép làm trong hoàn cảnh, hoạt động nhất định.

Đồng quan điểm với PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp) cho rằng: “Đã đến lúc cơ quan quản lý ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để đưa ra các quy định và chế tài đối với các nghệ sĩ vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật và cần sửa đổi bổ sung kịp thời Nghị định 64/2008/NĐ-CP, tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động này để tránh những tiêu cực có thể phát sinh.

Xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự

Xung quanh “lùm xùm” hoạt động thiện nguyện của nghệ sĩ nổi tiếng, Luật sư Đặng Văn Cường nhận định: “Những nghi ngờ đồn đoán trên mạng xã hội gần đây chỉ là những thông tin dư luận, chưa được xác thực, chưa có kết luận của cơ quan chức năng. Nếu vụ việc này không có đơn tố cáo hoặc cơ quan chức năng không xác minh, dư luận không thể biết được chân tướng sự việc thế nào”. Đến thời điểm này, cơ quan điều tra có đủ căn cứ để có thể thụ lý tin báo, làm rõ sự việc để xử lý trách nhiệm của các bên có liên quan trong trường hợp xác định có sai phạm chứ không cần phải đợi đến đơn tố cáo, tố giác của những người trong cuộc. “Nội dung này đã được quy định rất rõ trong phần xác minh tin báo tố giác tội phạm trong Bộ luật Tố tụng hình sự và thông tư liên tịch năm 2017 của Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Từ đó, cơ quan chức năng có thể làm rõ các giấy xác nhận về việc từ thiện; điều tra xác nhận chi tiêu có bị làm giả mạo, gian dối hay không?”- ông Cường cho nêu ý kiến.

Theo Luật sư Vũ Văn Biên (Công ty Luật An Phước), việc người dân chuyển tiền cho các nghệ sỹ kêu gọi từ thiện để đại diện mình chuyển đến các bà con vùng thiên tai, lũ lụt theo nội dung được kêu gọi là một giao dịch dân sự. Các nghệ sỹ được coi là người đại diện theo ủy quyền của các mạnh thường quân thực hiện việc chuyển tiền đóng góp đến đối tượng được thụ hưởng (theo Điều 138 Bộ Luật dân sự 2015).
Các nghệ sỹ có trách nhiệm giao tài sản, tiền do người dân ủng hộ đến đúng đối tượng được thụ hưởng, đúng mục đích kêu gọi ban đầu. Những người chuyển tiền từ thiện có quyền yêu cầu các nghệ sĩ đứng ra kêu gọi công khai, minh bạch số tiền nhận được, công tác từ thiện đã thực hiện đến đâu, đúng mục đích hay không? Trường hợp người ủng hộ nghi ngờ, phát hiện sự không minh bạch của người kêu gọi từ thiện có quyền thu thập chứng cứ, gửi đơn tố giác tội phạm đến cơ quan cảnh sát điều tra có thẩm quyền để điều tra xác minh làm rõ (Theo Điều 144 Bộ luật hình sự 2015)…

“Trường hợp các nghệ sỹ lợi dụng tình trạng khẩn cấp như thiên tai, lũ lụt lừa đảo nhằm chiếm đoạt số tiền từ 500 triệu đồng trở lên khi kêu gọi từ mọi người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân theo Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017… Còn trường hợp các nghệ sĩ sử dụng uy tín cá nhân, bằng sự tin tưởng, yêu mến của khán giả kêu gọi tiền từ các mạnh thường quân sau đó chỉ sử dụng một phần hoặc không sử dụng tiền đúng mục đích, đúng đối tượng được thụ hưởng, nhằm chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự từ 12 năm đến 20 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017”- Luật sư Biên phân tích.

Qua những phân tích, đánh giá của các chuyên gia pháp lý nêu trên, có thể thấy, việc kêu gọi từ thiện của các nghệ sỹ là việc làm tự phát, còn nhiều bất cập, không thể loại trừ trường hợp trục lợi từ chính hành động thiện nguyện. Do đó, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật một cách đầy đủ, kịp thời là cần thiết, giúp minh bạch, tạo hành lang pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động từ thiện, không để những cá nhân lợi dụng niềm tin, truyền thống tốt đẹp “lá lành đùm lá rách” của người dân Việt Nam để trục lợi.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần có quy định rõ ràng về các hình thức kêu gọi, tiếp nhận, phân phối tiền, hàng cứu trợ với các trường hợp khẩn cấp đồng thời có biện pháp tăng cường giám sát việc làm từ thiện của các cá nhân, tổ chức. Trường hợp thiếu sự minh bạch, trục lợi cần có những chế tài cụ thể, biện pháp quyết liệt để răn đe.
Tại phiên họp Thường trực Ủy ban Tư pháp mở rộng ngày 6/9, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim đã nêu vấn đề làm từ thiện khi cho ý kiến về báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021 của Chính phủ. Ông cho rằng, cần định danh rõ loại tội phạm trong hoạt động từ thiện xã hội để có biện pháp đấu tranh vì đây là vấn đề xã hội lên án rất mạnh mẽ. Cần cố gắng xem xét kỹ và định danh tội phạm, kêu tên đúng, gọi tên cho phù hợp để có cuộc đấu tranh mới trong lĩnh vực này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần