Với một số người có thói quen giận cá chém thớt, đánh mắng con trở thành một cách để thỏa mãn cơn tức giận, hay coi đó là cách để khẳng định quyền lực của mình với con cái hoặc cũng có thể do không biết cách kỷ luật theo hướng tích cực. Tuy không phải trẻ nào bị đánh cũng mắc bệnh sợ bố mẹ, nhưng cũng không ít do bị đánh chửi quá nhiều lần và vô căn cứ trở nên sợ hãi khi đứng trước bố mẹ và điều đáng buồn đây lại đang trở thành một hiện tượng bệnh lý, lúc nào trẻ cũng có cảm giác mình bị chà đạp, bị bỏ rơi.
Nhiều người cho rằng, thông thường tâm lý sợ hãi cha, mẹ ở trẻ không có biểu hiện rõ ràng. Song, cá biệt cũng có trẻ có biểu hiện rõ rệt bị chấn động thần kinh, đêm ngủ toàn khóc thét, nhiều khi giật mình đập thình thịch xuống giường. Nhiều trẻ rơi vào trạng thái trầm cảm lầm lì, ít nói, đi học về chỉ ở trong phòng. Có những di chứng không bộc lộ ra ngay, mà dần hình thành trong cách ứng xử khi trẻ trưởng thành. Cùng với đó, những trận đòn roi thường cũng đi kèm bao lời chửi rủa độc địa, khiến trẻ bị tổn thương tâm hồn. Điều mà trẻ học được từ những trận đòn của cha mẹ lại là những bài học xấu, rằng nếu như không thỏa thuận được thì bạo lực là cách giải quyết. Về mặt cảm xúc, khi nghe những câu mắng như: "Mày là đồ ăn hại, chết đi, sống để làm gì", hay "đồ ngu"..., trẻ sẽ cảm thấy lo lắng, bị hạ thấp lòng tự trọng và cảm thấy tự ái. Nhiều người tự giải thích rằng, trẻ sẽ chẳng hiểu gì vì là trẻ con, nhưng thực tế trẻ sẽ thấy mình ít có giá trị, thù ghét bản thân và người khác.
Bởi thế, để con có sự phát triển toàn diện về cách ứng xử, kỹ năng sống, khi thấy trẻ có biểu hiện xa lánh mình, bố mẹ nên tìm ra nguyên nhân, thay đổi cách cư xử với con. Điều này rất cần sự kiên trì, khi trẻ mắc lỗi thì không quát mắng hay đánh mà giải thích cho con hiểu như thế là sai, lựa chọn những hình thức kỷ luật khoa học... Trong việc dạy trẻ, điều quan trọng nhất là khiến con tôn trọng mình chứ không phải là sợ. Nhưng để làm được điều đó, chính người lớn cũng cần phải tôn trọng trẻ và tôn trọng chính thái độ của bản thân mình trước trẻ.