Học sinh nghỉ quá nửa lớp vì bị đau mắt

Phan Tuấn (laodong.vn)
Chia sẻ Zalo

Hiện nay, ở Đắk Lắk, nhiều người đang mắc bệnh đau mắt đỏ, có lớp ở một trường tiểu học, học sinh nghỉ quá nửa vì bị đau mắt. Cơ quan chức năng khuyến cáo người bệnh, người nghi nhiễm bệnh đau mắt đỏ cần đến các cơ sở chuyên khoa mắt để được khám, hướng dẫn điều trị...

Học sinh nghỉ quá nửa lớp vì bị đau mắt - Ảnh 1

Bác sĩ thăm, khám mắt cho bệnh nhân bị đau mắt đỏ cho người dân ở Đắk Lắk. Ảnh: Bảo Lâm

Hàng trăm học sinh nghỉ học vì bệnh đau mắt đỏ

Sau lễ khai giảng năm học mới, Trường tiểu học Lý Tự Trọng, ở thành phố Buôn Ma Thuột ghi nhận hàng trăm học sinh nghỉ học vì bệnh đau mắt đỏ.

Cô Lương Thị Bích Nguyên, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, sau khi bùng phát dịch bệnh đau mắt đỏ, nhà trường đã chỉ đạo bộ phận y tế chuẩn bị nước muối sinh lý để nhỏ ngừa bệnh cho các em tại lớp học.

Cùng với đó, nhà trường cũng khuyến cáo phụ huynh, học sinh khi mắc bệnh đau mắt đỏ cần điều trị dứt điểm tại nhà để tránh tình trạng lây chéo. Tuy nhiên, do điều kiện gia đình nên một số phụ huynh vẫn phải cho con em mình đến lớp khi đang mắc bệnh, khiến tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp.

Hiện tại, toàn trường có 139 học sinh bị đau mắt đỏ nhưng chỉ có khoảng 50% em là nghỉ học để điều trị, còn lại vẫn đến trường. Có những lớp học đến một nửa học sinh nghỉ học vì đau mắt đỏ.

Đối với các trường hợp học sinh đau mắt đỏ nhưng vẫn đi học thì nhà trường đã yêu cầu học sinh đeo kính mắt, hạn chế tiếp xúc với bạn bè, thường xuyên vệ sinh lớp học và hướng dẫn các em cách phòng ngừa.

Tương tự, tại Trường Mầm non Hoa Lan, ở phường Tân Tiến, ngoài trẻ mầm non, nhiều giáo viên giảng dạy cho trẻ cũng đã bị bệnh đau mắt đỏ. Cô Lê Thị Liên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Lan cho biết, trường hiện có hai phân hiệu, với khoảng 200 trẻ đang theo học tại 10 lớp.

Trước đó khoảng một tháng, trường đã ghi nhận một số ca mắc bệnh rải rác trong học sinh. Tuy nhiên vài ngày trở lại đây tình trạng trẻ bị đau mắt đỏ có dấu hiệu gia tăng với trên 20 trường hợp mắc bệnh.

Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Đắk Lắk, dịch đau mắt đỏ đã kéo dài khoảng hơn một tháng nay. Trong thời gian đầu diễn tiến, bệnh chỉ nặng hơn nhưng số ca mắc không nhiều.

Khoảng một tuần trở lại đây, số lượng người bệnh đến khám và điều trị đau mắt đỏ tại các cơ sở y tế, phòng khám tư nhân tăng đột biến. Riêng tại Bệnh viện Mắt Đắk Lắk, trung bình tiếp nhận 300 ca đau mắt đỏ/ngày. Bệnh chỉ thường gặp ở trẻ em, người trẻ, nhất là trong thời điểm giao mùa và sau lễ tựu trường.

Cách hạn chế lây bệnh trong cộng đồng

Bệnh đau mắt đỏ được xem là bệnh lành tính, sẽ khỏi sau 1 - 2 tuần, trường hợp nặng kéo dài một tháng. Thế nhưng, người dân không nên lơ là, chủ quan khi mắc bệnh. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần đến các cơ sở chuyên khoa mắt để được khám, hướng dẫn điều trị và để tránh lây bệnh cho cộng đồng.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Lê Dương Thùy Linh, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Đắk Lắk, đau mắt đỏ là tình trạng viêm kết mạc mắt, thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Thế nhưng, phổ biến nhất là do một loại virus có tên Adenovirus.

Khi bị nhiễm bệnh, người bệnh thường có các biểu hiện như đỏ mắt, có gỉ mắt, chảy nước mắt... Cùng với đó là các biểu hiện khác có thể gặp là hơi sợ ánh sáng, sưng phù kết mạc, xuất huyết nhẹ dưới kết mạc. Ngoài các biểu hiện tại mắt, người bệnh có thể bị viêm họng, nổi hạch trước tai và sốt nhẹ.

Bệnh đau mắt đỏ thường lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, các dịch tiết từ mắt, mũi của bệnh nhân hoặc qua đồ dùng cá nhân, đồ chơi, khăn tay nhiễm nguồn bệnh, nước bị nhiễm khuẩn, nhất là nước ở các hồ bơi, bể bơi...

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Dương Thùy Linh nhận định, đợt dịch đau mắt đỏ năm nay ghi nhận tình trạng bệnh khá nặng. Cụ thể, ngoài những tổn thương tại kết mạc thì có giả mạc gây xuất huyết làm cho người bệnh cảm thấy khó chịu, Adenovirus có dấu hiệu đi vào giác mạc làm giảm thị lực.

Chính vì vậy, người dân cần chủ động ngăn ngừa bệnh bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc sát khuẩn tay bằng các dung dịch sát khuẩn. Người dân cũng không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng, sử dụng nước sạch, không dùng chung vật dụng cá nhân như: thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang...

Bên cạnh đó, người dân cần có ý thức phòng ngừa, sử dụng các biện pháp phòng tránh lây bệnh khi tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ. Đơn cử như việc vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường... sẽ làm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh đau mắt đỏ.