Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Học viên cai nghiện được hướng nghiệp, giới thiệu việc làm

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước khi hòa nhập cộng đồng, các học viên cai nghiện ma túy tại Cơ sở Cai nghiện ma túy (CNMT) số 4 Hà Nội đã được tư vấn hướng nghiệp học nghề, thông tin thị trường lao động và giới thiệu việc làm để có thu nhập ổn định cuộc sống, tránh tái nghiện.

Hỗ trợ tìm việc ngay tại Cơ sở cai nghiện ma túy

Thực hiện Quyết định số 592/QĐ-SLĐTBXH ngày 23/6/2015, cuối tuần qua, Cơ sở CNMT số 4 Hà Nội phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức Hội nghị Tư vấn hướng nghiệp học nghề và giới thiệu việc làm cho 150 học viên. Giám đốc Cơ sở CNMT số 4 Hà Nội Phạm Đình Giang cho hay: Đơn vị đang quản lý 356 học viên CNMT bắt buộc, có quyết định của Tòa án. Từ tháng 8 đến cuối năm nay, đơn vị có trên 100 học viên hết hạn trở về cộng đồng.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tư vấn hướng nghiệp học nghề và giới thiệu việc làm cho các học viên tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 4 Hà Nội. Ảnh: Trần Oanh
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tư vấn hướng nghiệp học nghề và giới thiệu việc làm cho các học viên tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 4 Hà Nội. Ảnh: Trần Oanh

Để hỗ trợ cho học viên về cộng đồng tìm việc, Cơ sở đã tổ chức các buổi tư vấn riêng để giới thiệu, hướng dẫn những kỹ năng cơ bản về xin việc làm. Hôm nay, đơn vị lại phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức hoạt động tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm thì rất có ý nghĩa và hiệu quả hơn.

Các học viên được tư vấn tập trung về những thông tin thị trường lao động, các sàn giao dịch việc làm trên địa bàn TP Hà Nội, tham gia các phiên giao dịch việc làm, chính sách cho vay vốn giải quyết việc làm; và tiếp theo là tư vấn trực tiếp cho từng trường hợp về học nghề, tìm việc, lập nghiệp.

Trước khi có những buổi tư vấn hướng nghiệp học nghề và giới thiệu việc làm, Cơ sở CNMT số 4 Hà Nội đã lập danh sách học nghề theo nhu cầu của học viên và tổ chức đào tạo nghề. Năm 2023, Cơ sở được Sở LĐTB&XH Hà Nội giao đào tạo nghề cho 130 học viên và đã tổ chức học nghề Cơ khí, Thợ xây, Thợ may để sau này dễ kiếm việc làm.

Đồng thời, lãnh đạo Cơ sở liên hệ với một số công ty để nhận sản phẩm về cho học viên làm việc, rèn luyện kỹ năng tay nghề. “Một số em làm ra sản phẩm đạt chất lượng tốt và có thu nhập để trang trải sinh hoạt của bản thân. Thậm chí, từ việc lao động trị liệu này, một số em để dành được tiền gửi về gia đình. Chúng tôi tin tưởng khi các em trở về cộng đồng sẽ làm tốt những việc đã làm trong đơn vị” – ông Phạm Đình Giang cho hay.

Ngoài việc đào tạo nghề và tư vấn hướng nghiệp, Cơ sở CNMT số 4 Hà Nội còn tổ chức những buổi trang bị kiến thức giáo dục pháp luật, kỹ năng chống tái nghiện, giữ gìn sức khỏe… để khi học viên ra cộng đồng tiếp cận được tốt hơn.

Và trước khi học viên trở về cộng đồng, Cơ sở liên hệ với từng xã, phường, thậm chí các tỉnh để gửi danh sách học viên và thông báo về tình trạng sức khỏe, khả năng học và làm nghề để địa phương thuận tiện theo dõi và hỗ trợ hòa nhập. Nhưng có một khó khăn là học viên tỉnh lẻ khi dời khỏi Cơ sở lại đi đến tỉnh thành khác khiến địa phương rất khó khăn trong việc quản lý và hỗ trợ sau cai nghiện.

Học viên mong có việc làm khi hòa nhập cộng đồng

Nhiều học viên CNMT cho biết, khi tham gia Hội nghị Tư vấn hướng nghiệp học nghề và giới thiệu việc làm, họ đã cập nhật được thông tin về tình hình thị trường lao động trên địa bàn Hà Nội, những ngành nghề nào đang cần nhiều lao động, tìm việc qua 15 sàn giao dịch việc làm vệ tinh. Học viên Tr.Đ.Ngh. chia sẻ: "Em còn 5 tháng nữa là hoàn thành điều trị cai nghiện tại đây.

Trước khi vào Cơ sở, em đã làm nghề hàn và ở trong này em lại được đào tạo nghề này, làm sản phẩm (cửa sổ, hàng rào) nên tay nghề được nâng cao. Em mong muốn khi hòa nhập cộng đồng sẽ được Trung tâm Dịch vụ việc làm giới thiệu cho công việc liên quan đến nghề hàn để làm việc, không còn thời gian nhàn rỗi".

Học viên Ph.A.Q. cho rằng buổi tư vấn giới thiệu việc làm rất thiết thực với mình khi tháng 9 tới là hòa nhập cộng đồng. Khi vào Cơ sở CNMT số 4 Hà Nội, học viên Ph.A.Q. được học nghề may và hiện giờ đang may nhiều mặt hàng như quần áo, ba lô,... Từ công việc làm may, mỗi tháng Q. có thu nhập 500.000 đồng để mua thêm đồ dùng sinh hoạt, thực phẩm…; nhưng điều quan trọng là tinh thần thoải mái và sức khỏe tốt hơn.

“Trước đây, em đi tìm việc rất khó vì bị các DN từ chối khéo do không tin tưởng người đã từng nghiện. Bản thân em không đủ sức mạnh để vượt qua được kỳ thị; khi không có việc làm, bạn bè rủ rê thì lại tái nghiện, đi cai 7 lần. Lần này, khi đã được đào tạo nghề may trình độ trung cấp, em rất mong muốn khi trở về địa phương sẽ được Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội giới thiệu đến công ty hay cơ sở nào đó nhận vào làm nghề may, để làm lại cuộc đời” - học viên Ph.A.Q bộc bạch.

Một số học viên khác cũng cho biết rất khó khăn trong tìm kiếm việc làm khi trở về cộng đồng, bởi DN ngại tuyển người đã từng nghiện ma túy, vẫn còn sự kỳ thị từ phía cộng đồng. Bản thân những người đã từng sử dụng ma túy lại không vượt qua được mặc cảm, vươn lên để tạo lòng tin.

Trao đổi với phóng viên về việc này, ông Phạm Đình Giang cho rằng, thực hiện Quyết định số 592 của SLĐTBXH Hà Nội, hằng năm Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đều bố trí cán bộ lên Cơ sở CNMT số 4 Hà Nội để tư vấn hướng nghiệp học nghề và giới thiệu việc làm và học viên rất hào hứng tham gia.

Đây là chủ trương rất tốt, tuy nhiên, hiện nay, về phía Cơ sở không có thông tin về việc làm của học viên sau khi trở về cộng đồng. Vì thế, để hoạt động này mang lại hiệu quả hơn thì cần có cầu nối gắn kết và phối hợp thường xuyên giữa ba bên: Cơ sở CNMT - Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - Cộng đồng địa phương.

Được biết, Sở LĐTB&XH Hà Nội đang có chủ trương sẽ tổ chức sơ kết thực hiện Quyết định số 592 để đánh giá hiệu quả cũng như đưa ra những giải pháp cần thiết khác. Qua đó, để giúp cho học viên cai nghiện trở về cộng đồng được tạo việc làm, có thu nhập, ổn định cuộc sống và tránh xa ma túy.

 

Rất cần chính sách ưu đãi DN tuyển dụng người sau cai nghiện

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết, tất cả các ban ngành, đoàn thể nỗ lực rất nhiều, bằng nhiều biện pháp để hạn chế tái nghiện ma túy. Để tạo việc làm cho người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng thì trước hết cần sự vào cuộc của cộng đồng xã hội, chứ không chỉ riêng sự cố gắng, nỗ lực của các đơn vị làm trong lĩnh vực này. Giả sử, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội có cố gắng hết sức để tư vấn, mời các DN tham gia tuyển dụng, sử dụng nhóm lao động đã CNMT nhưng về phía DN lại e dè thì số người được giải quyết việc làm không nhiều.

Thêm nữa, bên cạnh việc tuyên truyền để các DN mạnh dạn hơn trong tuyển dụng, sử dụng người sau CNMT thì rất cần có những cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi cho DN tuyển dụng nhóm lao động sau CNMT để kích thích họ có động lực. Có thể, nhóm lao động này hạn chế về sức khỏe hoặc tinh thần nhưng cũng có những công việc phù hợp cho họ làm.

Về phía Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trong quá trình kết nối đều cố gắng tư vấn để các DN có thể cùng đồng hành tuyển dụng, sử dụng nhóm lao động này. Thực tế, thời gian vừa qua, tại các phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Thanh Oai, quận Tây Hồ đã có những DN tuyển dụng nhóm lao động chấp hành xong án phạt tù, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.