Kinhtedothi - Bộ trưởng Ngoại giao các nước Nhóm G7 sẽ nhóm họp ở Hiroshima, Nhật Bản để chuẩn bị cho cuộc gặp cấp cao thường niên trong tháng 5 tới.
Bộ trưởng Ngoại giao các nước Nhóm G7 nhóm họp ở Hiroshima, Nhật Bản
Tuy nhiên, khuôn khổ diễn đàn này vẫn gần như hữu danh vô thực, bàn thảo về toàn những vấn đề lớn của thế giới, nhưng để rồi kết thúc bằng những tuyên bố chính trị chung chung mà sau đó có được cụ thể hóa để triển khai thực hiện hay không lại là... chuyện khác, và gần như G7 không còn quan tâm đến. Những chuyện riêng vì thế được coi trọng nhiều hơn ở diễn đàn chung này.
Với vai trò chủ nhà, nên mối quan tâm hàng đầu của Nhật Bản là chuyện chính trị an ninh ở khu vực Đông Á. Cụ thể là về vấn đề hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc đẩy mạnh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với một số nước trong khu vực, bất chấp luật pháp quốc tế và sử dụng cả vũ lực. Nhật Bản muốn những chuyện này hiện diện trên chương trình nghị sự, được tất cả đề cập sâu rộng và G7 biểu lộ thái độ ủng hộ Nhật Bản. Mỹ có lợi ích thiết thực ở khu vực và là đồng minh chiến lược của Nhật Bản nên dễ dàng đồng tình. Động thái mới nhất của Mỹ là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hủy chuyến thăm Trung Quốc, trong khi vẫn đi thăm Ấn Độ và Philipinnes.
Trong khi đó, các thành viên khác của nhóm này lại quan tâm nhiều hơn đến chuyện khủng bố quốc tế và vấn đề tị nạn, vấn đề Ukraine và quan hệ với Nga. Một vài thành viên khác buộc phải coi trọng triển vọng chính trị, an ninh và ổn định ở Afghanistan.
Một chuyện riêng khác nữa được dư luận đặc biệt quan tâm và chỉ liên quan đến Nhật Bản và Mỹ. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry là chức sắc cao cấp nhất của Mỹ đến TP Hiroshima kể từ sau bà Nancy Pelosy trên cương vị Chủ tịch Hạ viện Mỹ năm 2008. Ông Kerry dọn đường cho Tổng thống Mỹ Barack Obama tới thăm TP này khi sang Nhật Bản dự hội nghị cấp cao Nhóm G7. Nếu được như vậy, quan hệ giữa Mỹ và Nhật Bản sẽ bước sang trang sử mới khi chuyện quá khứ lịch sử với hai vụ tàn sát dân thường và phá hủy đô thị mà Mỹ đã tiến hành bằng bom nguyên tử năm 1945 ở Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản có thể nói được hóa giải trong nguyên tắc. Sự kiện này đồng thời còn tác động mạnh mẽ tới chính sách hạt nhân của cả Mỹ lẫn Nhật Bản.
Tuy nói nhiều làm ít, nhưng xem ra G7 vẫn còn có thể rất hữu ích cho các nước thành viên tận dụng khuôn khổ diễn đàn chung để xử lý những chuyện riêng giữa họ với nhau.