"Việc phối hợp tổ chức tốt công tác của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ -Triều Tiên sẽ góp phần làm tăng thêm uy tín của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Đồng thời, đây cũng là thời cơ tốt để quảng bá du lịch Việt Nam đến gần hơn với thế giới. Để làm được điều này, mỗi người dân Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung phải trở thành một đại sứ để quảng bá cho hình ảnh, du lịch Thủ đô và đất nước. Theo đó, ngoài việc đảm bảo mỹ quan đô thị, an ninh trật tự thì mỗi người dân hãy thể hiện nét văn minh, thanh lịch vốn có của người Việt Nam." - Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Chí Mỳ "Hội nghị thượng đỉnh Mỹ -Triều là một cơ hội tuyệt vời cho Hà Nội và người dân Việt Nam. Gần 3.000 phóng viên nước ngoài đến Hà Nội và có những trải nghiệm về văn hóa, ẩm thực và với con người ở đây. Do đó, đây sẽ là một cú hích lớn đối với ngành du lịch Hà Nội và sẽ cho thế giới thấy rằng chỉ trong một thời gian ngắn, Việt Nam đã chuyển mình, từ một nước bị chiến tranh tàn phá, có thứ hạng kém ở nhiều mục, thành một xã hội hiện đại, năng động và là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới." - Adam Sitkoff – Giám đốc điều hành AmCham Hà Nội "Chúng tôi rất trông đợi cuộc gặp thượng đỉnh lần này. Rõ ràng việc tổ chức ở Hà Nội sẽ mang lại nhiều điều tích cực và khiến đất nước của các bạn được biết đến nhiều hơn. Dọc con đường từ sân bay Nội Bài vào trung tâm Hà Nội chúng tôi thấy việc trang trí được thực hiện rất đẹp mắt. Trong suốt quãng thời gian ở Hà Nội, chúng tôi thấy các bạn rất thân thiện và thật thà, điều này giúp khách nước ngoài cảm thấy rất thoải mái và được chào đón." - Du khách Deedee Herman (Canada) "Việt Nam được cả phía Mỹ và Triều Tiên lựa chọn, chứng tỏ Việt Nam đã đạt được lòng tin, sự tin cậy của các nước, đạt được thành công lớn trong quá trình hội nhập quốc tế. Đồng thời, tiếp tục khẳng định vị thế ngày càng cao của đất nước, thể hiện vai trò và đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế. Là người dân sống ở Hà Nội, chúng tôi cảm thấy phấn khởi khi Hà Nội được lựa chọn là nơi tổ chức hội nghị quan trọng. Từ đó, Hà Nội có cơ hội phát triển du lịch, có điều kiện nâng tầm lên một mức độ cao hơn trên bản đồ quốc tế." - GS.TSKH Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT "Tôi nghĩ Việt Nam là sự lựa chọn hoàn hảo cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, khi đất nước của các bạn có quan hệ ngoại giao với cả Mỹ và Triều Tiên. Qua đây, Việt Nam có thể cho Triều Tiên thấy một hình mẫu kinh tế phát triển nếu họ quyết định mở cửa." - Du khách William Burnett (Mỹ) |
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần II: Khẳng định vị thế Việt Nam
Kinhtedothi - Việt Nam đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận thế giới khi trở thành chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ -Triều Tiên lần thứ 2, dự kiến diễn ra từ ngày 27 - 28/2.
Qua dịp này, Việt Nam cũng giới thiệu tới bạn bè quốc tế về những thành tựu trong nhiều thập kỷ qua, cả về kinh tế, văn hóa, con người.
Hội nhập sâu rộng
Như các chuyên gia quốc tế đã phân tích, việc chọn Hà Nội là địa điểm tổ chức đã cho thấy cả Mỹ và Triều Tiên đều đánh giá Việt Nam là đối tác tin cậy và tin tưởng sẽ tạo ra môi trường an toàn, công bằng, thân thiện cho cuộc đối thoại giữa hai bên. Đồng thời, nhìn vào những thành quả của Việt Nam trong những năm qua, đặc biệt là sau hơn 30 năm đổi mới, xây dựng và phát triển cũng không thể phủ nhận vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng tăng.
Từ một nước bước ra từ gian khó của chiến tranh, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển; kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại… tất cả mọi “mặt trận” đều cho thấy những triển vọng tốt đẹp, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Với những bước đi đầy đĩnh đạc, Việt Nam đã từng bước hội nhập với thế giới. Bởi thế, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam có triển vọng tốt, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới. Điểm lại những con số cho thấy, tăng trưởng kinh tế của nước ta luôn giữ ở mức rất cao. Trong đó, tăng trưởng GDP trong năm 2018 đạt mức 7,08%, cao nhất trong vòng 10 năm qua. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 của Việt Nam ước tính đạt 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD, tăng 198 USD so với năm 2017.
Đồng thời, Việt Nam đã tiến một bước dài trên con đường hội nhập và phát triển. Việt Nam hiện nay đã trở thành một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu, năm 2018 tổng kim ngạch xuất khẩu 482 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay. Việt Nam có quan hệ kinh tế thương mại với hầu hết nền kinh tế trên thế giới, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư từ hàng trăm quốc gia, vùng lãnh thổ. Đến nay, đã có trên 70 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường; đã ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do.
Tầm vóc, vị thế và uy tín trong nước được nâng lên một tầm cao mới. Cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao vai trò và trách nhiệm của Việt Nam trong hội nhập và thực hiện các cam kết quốc tế. Nhìn nhận về thành công trong công cuộc đổi mới tại Việt Nam, nhiều nhà phân tích có chung quan điểm: Vị thế trên trường quốc tế ngày càng cao và Việt Nam đang tạo ra những thế mạnh mới để một lần nữa cất cánh. Đặc biệt, Hiệp định Ðối tác xuyên Thái Bình Dương toàn diện và tiến bộ (CPTPP) đã được Quốc hội phê chuẩn và có hiệu lực, đang mở ra những cơ hội phát triển và hợp tác to lớn về thương mại, đầu tư, tăng trưởng kinh tế, cải cách thể chế.
Hòa bình và thân thiện
Song song với tăng trưởng kinh tế, Việt Nam vẫn gắn kết hài hòa được với phát triển văn hóa, xây dựng con người, tiến bộ và công bằng xã hội. Đặc biệt, kết cấu hạ tầng phát triển nhanh với những công trình tầm cỡ quốc tế, các tuyến đường lớn… đã mang đến cho đất nước một tầm vóc mới. Việt Nam cũng đang tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh và mạnh để nâng cao năng suất lao động, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, thu hẹp dần khoảng cách với các nước phát triển trên thế giới.
Việt Nam còn được nhắc đến là một quốc gia ưa chuộng hòa bình và có nền chính trị, an ninh xã hội ổn định. Nhiều Tổng thống, Thủ tướng các nước khi sang thăm nước ta có thể thảnh thơi đi dạo trong khung cảnh yên bình của Hồ Gươm.
Gần đây, Thủ tướng Australia Maliolm Turnbull ăn bánh mì vỉa hè ở Đà Nẵng, Tổng thống Barack Obama ăn bún chả tại Hà Nội, Thủ tướng Canada Justin Trudeau uống cà phê ở quán vỉa hè hay chạy bộ tại TP Hồ Chí Minh... cũng đã gây ấn tượng lớn với các du khách quốc tế khi nhắc đến Việt Nam. Như nhiều ý kiến đã nhận định, hình ảnh đó ở nước ngoài hiếm lắm. Nhưng Việt Nam đã làm được, đã tạo được niềm tin cho bạn bè quốc tế.