Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tội phạm

Theo Chinhphu.vn
Chia sẻ Zalo

Sáng 26/7, tại Trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác phòng chống tội phạm 6 tháng đầu năm 2017, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ.

 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trị Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác phòng chống tội phạm. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ: Thời gian qua, công tác phòng chống tội phạm toàn quốc đã đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thẳng thắn, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Do đó, tại hội nghị lần này, chúng ta phải suy nghĩ và giải đáp rõ nguyên nhân của tình trạng ấy là gì và phải giải quyết như thế nào để tạo ra bước chuyển biến rõ rệt trong thời gian tới.
Vì vậy, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị hội nghị cần nêu rõ những việc làm được, chưa làm được, bài học kinh nghiệm, khó khăn vướng mắc. Đánh giá rõ thực trạng tình hình tội phạm hiện nay ở các địa phương, phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm, nguyên nhân và dự báo thời gian tới. Việc tổ chức thực hiện như thế nào cho có hiệu quả.
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, trong nửa đầu năm 2017, cơ quan chức năng đã điều tra khám phá trên 20.000 vụ phạm pháp hình sự, bắt hơn 43.000 đối tượng, đạt tỷ lệ hơn 79% (cao hơn 1,2% so với cùng kỳ). Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã thực hiện quyền công tố, kiểm sát điều tra hơn 50.000 vụ với trên 70.000 bị can. Toà án nhân dân các cấp và toà án quân sự đã thụ lý trên 40.000 vụ với gần 70.000 bị cáo. Đã giải quyết, xét xử trên 25.000 vụ với gần 42.000 bị cáo, tổ chức nhiều phiên toà xét xử lưu động tại địa bàn trọng điểm.
Trong đó, tội phạm hình sự còn diễn biến hết sức phức tạp, nổi lên là hoạt động của các băng nhóm tội phạm có tổ chức, manh động, liều lĩnh có sự gắn kết, đan xen giữa tội phạm hình sự với tội phạm kinh tế, ma tuý và núp bóng doanh nghiệp đe dọa lực lượng thực thi pháp luật, thi hành công vụ. “Một số nơi còn để tội phạm lộng hành, công khai”, Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết.
Nguyên nhân của thực trạng này, theo Thứ trưởng Lê Quý Vương là do cấp ủy và chính quyền một số nơi chưa phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác phòng chống tội phạm; hoạt động của một số ban chỉ đạo địa phương còn mang tính hình thức, thiếu phân công trách nhiệm gắn với quy chế hoạt động của từng thành viên; công tác phối hợp giữa các lực lượng và các ngành trong đấu tranh tội phạm, xử lý giải quyết các vấn đề nảy sinh, phức tạp còn lúng túng, chưa gắn kết; chất lượng cán bộ điều tra, trinh sát có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống tội phạm...