Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ) có hiệu lực từ 1/1/2020.
Trong đó, có xử lý các hành vi điều khiển xe tham gia giao thông mà hơi thở có chứa nồng độ cồn. Nghị định này đa số được dư luận ủng hộ và cũng là biện pháp cần thiết để hạn chế tai nạn giao thông bởi thực tế đã có không ít những vụ tai nạn thảm khốc xảy ra xuất phát từ việc tài xế uống rượu bia.
Tài xế không quá lo lắng khi rơi vào trường hợp hơi thở có cồn do ăn trái cây. Ảnh minh họa. |
Những ngày đầu năm mới 2020, lực lượng CSGT cả nước đã đồng loạt ra quân triển khai thực hiện. Với việc CSGT xử lý nhiều vụ việc, kết hợp với công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, ý thức của người dân tham gia giao thông đã có những chuyển biến rất tích cực.
Các quy định của pháp luật nêu trên cơ bản đã đáp ứng với thực tiễn công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông là vấn đề rất nóng bỏng và gây bức xức cho người dân thời gian qua. Chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông chính là bảo đảm sự an toàn về tính mạng, tài sản của bản thân và những người tham gia giao thông.
Xung quanh thông tin lo ngại rằng, việc người điều khiển phương tiện sử dụng một số loại trái cây, thuốc ho cũng dẫn tới kết quả có nồng độ cồn trong hơi thở, có thể bị CSGT xử phạt lỗi nồng độ cồn theo Nghị định định 100/2019/NĐ-CP, luật sư Nguyễn Anh Thơm khẳng định, trong trường hợp này, cảnh sát giao thông sẽ không phạt tài xế.
“Theo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020 quy định hành vi cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Như vậy nồng độ cồn bị xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP là người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia. Điều luật hướng đến là người có nồng độ cồn do sử dụng rượu, bia chứ không phải người sử dụng trái cây, thuốc ho" - luật sư Thơm nêu quan điểm.
Trong trường hợp người điều khiển phương tiện ăn trái cây hoặc uống thuốc ho mà hơi thở có nồng độ cồn thì họ có thể trình bày ý kiến. Tuy nhiên, những sản phẩm trái cây hoặc thuốc ho thường chỉ để lại nồng độ cồn trong cơ thể thường rất nhỏ.
Bên cạnh đó, CSGT khi xử phạt nồng độ cồn còn phải căn cứ vào các biểu hiện của người vi phạm như tình trạng tâm lý, diễn biến hành vi, lời nói, cử chỉ, sắc mặt và qua qua hơi thở khi nói chuyện để có căn cứ xử lý người vi phạm có sử dụng rượu, bia.
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, nếu tài xế ăn trái cây hoặc sử dụng thuốc ho có nồng độ cồn còn có một con đường khác để xác minh. Tài xế có thể yêu cầu CSGT đưa đi xét nghiệm máu sẽ có kết quả chính xác bởi việc ăn hoa quả hoặc uống thuốc ho nếu có nồng độ cồn qua hơi thở sẽ khác với việc uống rượu, bia lưu lại trong máu có nồng độ cồn. Người dân không nên lo lắng nếu ăn trái cây hoặc sử dụng thuốc ho có nồng độ cồn.
Các chuyên gia y tế cũng cho hay, nếu ăn hoa quả, thuốc ho mà hơi thở có cồn, thì ít nhất nên đợi 15 - 30 phút mới tham gia giao thông. Nhưng người dân hoàn toàn yên tâm, bởi CSGT có quy trình làm việc xét nghiệm sàng lọc ban đầu, nếu cần có thể xét nghiệm lần 2.