Dự Lễ kỷ niệm sẽ có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban MTTQ Việt Nam; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể chính trị – xã hội Trung ương; đại biểu lãnh đạo đại diện các thành phố trực thuộc Trung ương, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng Thủ đô.
Đại biểu thành phố Hà Nội có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo thành phố; đại diện cán bộ lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; công dân Thủ đô ưu tú; đại diện các đoàn thể chính trị – xã hội, các sở, ban, ngành thành phố… Dự kiến sẽ có khoảng 2.500 đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm.
Diện mạo Thủ đô thay đổi mạnh mẽ
Sau điều chỉnh địa giới hành chính, không gian sản xuất kinh doanh của Hà Nội được mở rộng, kinh tế tiếp tục tăng trưởng, đạt trung bình 7,41%/năm (cách tính cũ là 9,51%) và nhiều chỉ tiêu tăng từ 2 - 3 lần như: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)/người tăng 2,3 lần, thu nhập bình quân đầu người của nông dân tăng 2,92 lần, thu ngân sách trên địa bàn tăng 2,93 lần…
Với những kết quả này đã tiếp tục khẳng định Hà Nội có vị trí đầu tàu, là động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm bắc bộ và ngày càng đóng vai trò quan trọng với kinh tế cả nước. Cụ thể, Hà Nội có diện tích 21,2% so với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nhưng đóng góp GRDP tới 51,1% và đóng góp thu ngân sách tới 54,1%. So với cả nước, Hà Nội có diện tích chỉ chiếm 1%, dân số chiếm 8,1% nhưng đóng góp GRDP tới 16,46%, đóng góp về thu ngân sách tới 19,05%.Bên cạnh đó, giá trị văn hoá truyền thống và những phong tục tập quán tốt đẹp của văn hoá Tràng An, văn hoá xứ Đoài ngày càng được duy trì và phát huy, lan tỏa. Đặc biệt, không gian đô thị phát triển theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô tạo nên diện mạo mới sau 10 năm phát triển. Nhiều dự án khu đô thị mới văn minh, hiện đại đã và đang hình thành. TP cũng đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển vùng đô thị mở rộng lên phía Bắc với một số dự án như: Công viên Kim Quy, Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia... Thực tế phát triển của Thủ đô trong 10 năm qua đã khẳng định tính đúng đắn, giá trị lịch sử, ý nghĩa thực tiễn lâu dài của chủ trương mở rộng địa giới hành chính đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.