Ngày 7/3, Trung tâm Ứng cứu sự cố máy tính Việt Nam (VNCERT) thuộc Bộ TT&TT cho biết, trong hơn 1.500 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống của Việt Nam 2 tháng đầu năm nay, số liệu thống kê của VNCERT cho hay, có 218 sự cố Phishing; 962 sự cố Deface trong đó có sự cố liên quan đến tên miền .gov.vn và phần lớn đều đã được khắc phục; 324 sự cố Malware và hiện khoảng hơn 2/3 trang web gặp sự cố này đã được khắc phục.
Cũng theo ghi nhận của VNCERT, năm 2017 đã có 13.382 sự cố tấn công mạng vào Việt Nam có 3 loại hình tấn công Deface, Phishing và Malware. Trong đó, có 6.400 trường hợp tấn công Malware; 4.377 trường hợp Deface và 2.605 trường hợp Phishing.
Đại diện VNCERT cho hay, sự cố an toàn thông tin và tấn công mạng diễn ra mỗi phút. Cùng với đó, các thiết bị di động trở thành mục tiêu tấn công phổ biến, cài cắm mã độc và tấn công vào hệ thống của DN ngày càng gia tăng. Ngày nay, các tin tặc còn được một số chính phủ tài trợ nhằm do thám và phá hoại các cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng.
Theo thống kê của trang securelist.com được công bố hồi tháng 1/2018, với khoảng 637.400 máy tính bị kiểm soát nằm trong mạng máy tính ma (botnet), Việt Nam xếp ở vị trí thứ 4 trong Top 10 quốc gia bị kiểm soát bởi mạng máy tính ma. Trong quý IV/2017, Việt Nam đứng thứ 5 trong Top 10 quốc gia bị tấn công DDoS (tấn công từ chối dịch vụ phân tán - PV) nhiều nhất.
Trung tâm VNCERT khuyến nghị, các cơ quan, đơn vị, DN cần quan tâm đến việc triển khai các nhóm giải pháp đảm bảo an toàn thông tin mạng, bao gồm: Nâng cao nhận thức về an toàn thông tin; tăng cường các giải pháp dự phòng rủi ro, phòng ngừa tấn công mạng; xây dựng phương án ứng cứu khẩn cấp sự cố...