Hàng hóa qua cảng chủ yếu là của các doanh nghiệp địa phương sản xuất chế biến gia công xuất khẩu như dăm gỗ, cát trắng, ti tan... hoặc nhập nguyên liệu, trang thiết bị phục vụ cho nhu cầu sản xuất nông, công nghiệp bao gồm than, clinker, xăng dầu, ximăng, gỗ... Nằm trong khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô, cảng Chân Mây đang ngày càng được đầu tư để phát triển thành cảng biển nước sâu năng động, góp phần vào khai thác tiềm năng biển, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, xuất khẩu, mở rộng giao thương trong nước, khu vực và quốc tế. Ngoài ra, cảng Chân Mây hiện là cảng biển du lịch sôi động trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây với lượng khách du lịch đến với Huế và miền Trung qua đây tăng mạnh. Từ chỗ năm 2009 chỉ mới đón được 15 tàu du lịch với hơn 20.000 lượt khách và thủy thủ đoàn, thì đến giữa tháng 11/2011 cảng Chân Mây đón 30 chuyến tàu với gần 31.100 lượt khách và thuyền viên. Riêng trong các tháng 11, 12/2011, mỗi tuần cảng Chân Mây đón 3 chuyến tàu du lịch quốc tế, bình quân mỗi chuyến khoảng 1.500-2.000 khách và thuyền viên. Theo quy hoạch, cảng Chân Mây sẽ có tổng diện tích hơn 668 ha, trong đó phần đất liền hơn 442 ha, phần mặt nước trên 226 ha; trọng tải đạt từ 30.000 DWT - 50.000 DWT. Đến năm 2020 cảng sẽ có 6 bến, tổng chiều dài bến là 1.680 m; đến năm 2030 là 8 bến, tổng chiều dài bến là 2.280 m; ngoài ra có 2 bến chuyên ngành là bến du lịch và bến xăng dầu. Trước mắt, cảng Chân Mây đang huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng bến cảng số 2, và đê chắn sóng cho cảng; phấn đấu đến năm 2015 nâng công suất hàng hóa thông qua cảng đạt từ 3,6 triệu tấn - 3,9 triệu tấn/năm./.