Điều đáng nói là các tỉnh thành này đóng góp hơn 80% tổng GDP và 90% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2019 của nền kinh tế số hai thế giới.
Vì vậy, tình trạng trì hoãn việc trở lại với guồng quay kinh doanh, sản xuất sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tăng trưởng và thương mại quốc tế của nền kinh tế Trung Quốc.
Tại Bắc Kinh, chính quyền khuyến khích các công ty cho nhân viên làm việc tại nhà tới ngày 10/2. Theo Bloomberg, Trung Quốc đang bước vào cuộc thử nghiệm "làm việc từ xa" lớn nhất thế giới.
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tại Trung Quốc theo kế hoạch bắt đầu từ ngày 24 - 30/1. Song do virus lây lan nghiêm trọng, chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các DN dừng hoạt động đến ngày 3/2.
Tỉnh Hồ Bắc, nơi được cho là tâm dịch bệnh viêm phổi do virus corona, đã đề nghị các DN đóng cửa ít nhất đến ngày 14/2.
Các nhà kinh tế của Morgan Stanley nhận định, việc kỳ nghỉ Tết của Trung Quốc kéo dài thêm một tuần trên toàn quốc sẽ khiến sản xuất công nghiệp trong tháng 1 và 2 của nước này sụt giảm tới 5 - 8%.
Trước đó một ngày, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (Ngân hàng trung ương Trung Quốc - PBoC) đã thông báo kế hoạch bơm 1.200 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 173 tỷ USD) vào nền kinh tế nhằm giảm bớt cú sốc do dịch bệnh đối với thị trường tài chính, khi hoạt động thương mại được nối lại.
Ngày 1/2 vừa qua, giới chức tài chính Trung Quốc cho biết nước này đã triển khai một loạt các biện pháp hỗ trợ tài chính để kiểm soát dịch bệnh. Theo đó, Trung Quốc sẽ nỗ lực duy trì khả năng thanh khoản đầy đủ và hợp lý.
Theo Ngân hàng trung ương Trung Quốc, dịch bệnh viêm phổi do virus corona bùng phát sẽ có tác động nhất thời đến nền kinh tế Trung Quốc nhưng không làm thay đổi nền tảng để kinh tế nước này tăng trưởng về dài hạn và có chất lượng.
Tính đến sáng 3/2, số người nhiễm chủng mới của virus corona tại Trung Quốc đã vượt qua con số 17.200 người, trong đó 2.829 ca nhiễm mới trong ngày 2/2, và 361 trường hợp tử vong.