HTX chiếm gần 26% tổng sản phẩm OCOP
Nằm ven sông Hồng, vùng canh tác rau củ quả rộng hơn 200ha tại thôn Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) được xem là một trong những vựa rau lớn nhất của Hà Nội. Không chỉ cung ứng sản lượng lớn rau củ quả cho người dân Thủ đô, chất lượng nông sản nơi đây cũng từng bước khẳng định được vị thế.
Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Đông Cao Đàm Văn Đua cho biết, quy trình sản xuất rau của đơn vị được chính quyền các cấp quản lý nghiêm ngặt, áp dụng những tiêu chuẩn an toàn của Sở NN&PTNT Hà Nội. Sản phẩm được cấp mã truy xuất nguồn gốc, có bao bì, nhãn mác nên được thị trường đón nhận tích cực.
“Nhờ chất lượng luôn được bảo đảm, từ năm 2020 đến nay, HTX Dịch vụ tổng hợp Đông Cao đã có 18 sản phẩm được Hội đồng OCOP TP Hà Nội đánh giá, phân hạng. Trong đó, củ cải trắng được cấp chứng nhận 4 sao, còn lại là các sản phẩm OCOP 3 sao…” - ông Đua cho hay.
Tại huyện Gia Lâm, HTX Sản xuất kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh (xã Bát Tràng) được xem là một trong những đơn vị tiên phong phát triển sản phẩm OCOP. Bộ sản phẩm gốm men suối ngọc của HTX này đã gây ấn tượng mạnh tại nhiều hội chợ, triển lãm bởi đường nét chế tác tinh xảo cùng chất lượng men gốm đạt tiêu chuẩn cao. Trên cơ sở đề xuất của Hội đồng OCOP TP Hà Nội, vừa qua, bộ gốm men suối ngọc của HTX đã được Bộ NN&PTNT đánh giá, phân hạng là sản phẩm 5 sao cấp quốc gia.
Thành công của HTX Dịch vụ tổng hợp Đông Cao và HTX Sản xuất kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh cho thấy tiềm năng mạnh mẽ của khu vực kinh tế tập thể trong phát triển sản phẩm OCOP. Điều này càng được khẳng định, khi thông qua thống kê của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, toàn TP hiện có 2.140 sản phẩm được đánh giá, phân hạng từ 3 sao OCOP trở lên thì có đến 553 sản phẩm là thành quả của các HTX, chiếm gần 26% tổng sản phẩm OCOP mà Hà Nội hiện có.
Nâng cao năng lực của các hợp tác xã
Những số liệu trên cho thấy, khu vực kinh tế tập thể, HTX đã và đang có đóng góp rất tích cực cho mục tiêu Chương trình OCOP của Hà Nội. Việc có nhiều HTX phát triển sản phẩm để tham gia dự thi hàng năm cũng cho thấy Chương trình OCOP tạo nên một sân chơi bình đẳng, minh bạch và không kém phần sôi động giữa các chủ thể sản xuất, kinh doanh.
Theo đánh giá của Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, sản phẩm OCOP của các HTX rất đa dạng, hiện đang góp mặt tại hầu hết các nhóm lĩnh vực, từ thực phẩm, đồ uống, thảo dược, đến vải - may mặc, đồ lưu niệm, nội thất và hàng thủ công mỹ nghệ.
Nhưng không chỉ có vậy, tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP từ các HTX còn rất lớn. Sở dĩ vậy là bởi toàn TP hiện có 1.149 HTX đang hoạt động, có nguồn sản phẩm tiềm năng đạt sao OCOP. Ngoài ra, 65% tổng số HTX trên địa bàn Hà Nội cũng được đánh giá là đang hoạt động có hiệu quả.
Để thúc đẩy phát triển các HTX gắn với Chương trình OCOP đến năm 2025, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho rằng, nhiệm vụ đặt ra hiện nay là cần nâng cao hơn nữa năng lực hoạt động của các HTX. Theo đó, trong thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, các quận, huyện, thị xã, tập trung hỗ trợ HTX xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, hiệu quả. Chú trọng đổi mới sáng tạo để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao.
Về phía Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, sẽ tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để thành viên các HTX hiểu biết đầy đủ mục đích, ý nghĩa, từ đó tích cực phát triển sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Bên cạnh đó, thúc đẩy các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương với các tỉnh, TP nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP, tạo động lực phát triển cho các HTX trên địa bàn Hà Nội.