"Chúng tôi đã nói rõ với Ủy ban châu Âu rằng Hungary chỉ có thể bỏ phiếu thông qua đề xuất này nếu Brussels đưa ra giải pháp cho các vấn đề mà lệnh cấm này sẽ gây ra," Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjerto cho biết hôm 11/5, đồng thời nhấn mạnh rằng Brussels chưa có bất kỳ giải pháp nào để giảm thiểu các hậu quả từ lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga.
Ngoại trưởng Szijjerto lưu ý thêm rằng lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) sẽ miễn trừ đối với việc vận chuyển dầu mỏ từ Nga đến Hungary qua hệ thống đường ống. “Hungary sẽ nêu yêu cầu tại các cuộc đàm phán về đề xuất cậm vận dầu mỏ Nga của EU trong thời gian tới,” ông Szijjerto nói.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Hungary nhấn mạnh: "Đề xuất cấm nhập khẩu dầu Nga của EU sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp năng lượng ổn định cho Hungary. Đề xuất này được ví như một quả bom nguyên tử đối với kinh tế Hungary. Giá nhiên liệu ở Hungary sẽ tăng 55-60%. Tăng trưởng của họ sẽ kéo theo đó là sự gia tăng giá đối với tất cả các mặt hàng. Đất nước sẽ không thể chịu đựng được điều đó".
Theo tờ Politico, các quan chức EU đang xem xét đề nghị bồi thường tài chính cho Hungary trong nỗ lực thuyết phục Thủ tướng Viktor Orban ký thông qua các biện pháp trừng phạt do khối này đề xuất đối với dầu mỏ của Nga.
EU đã áp đặt 5 vòng trừng phạt đối với Nga từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Đầu tuần trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) công bố các đề xuất về gói trừng phát thứ sáu, bao gồm lệnh cấm toàn bộ dầu mỏ của Nga, nhưng được thực hiện theo lộ trình. Gói trừng phạt cần được sự đồng thuận của toàn bộ 27 quốc gia thành viên trước khi có hiệu lực.
Việc đảm bảo sự ủng hộ của Hungary đối với kế hoạch chặn tất cả các hoạt động nhập khẩu nhiên liệu thô và tinh chế của EU từ Nga là rất cần thiết để duy trì mục tiêu chính trị của những hành động phản đối mạnh mẽ và thống nhất của châu Âu đối với hành động quân sự của Nga ở Ukraine.
Tuy nhiên cho đến nay Thủ tướng Hungary Viktor Orban vẫn bác bỏ các lệnh trừng phạt của toàn EU đối với dầu mỏ Nga kể từ khi EC đề xuất ngày 4/5. Trong bài phát biểu trên đài truyền hình Kossuth Radio hôm 6/5, Thủ tướng Orban nói rằng việc chấm dứt nhập khẩu dầu từ Nga sẽ giống như thả một "quả bom hạt nhân" xuống nền kinh tế Hungary.
Theo Thủ tướng Orban, đề xuất của Brussels có thể dẫn đến việc quốc gia Trung Âu này rơi vào tình trạng khan hiếm nhiên liệu và các sản phẩm dầu khác trong dài hạn. Ông Orban, lưu ý rằng Hungary sẽ tốn hàng ngàn tỷ USD và mất tới 5 năm để chuyển từ dầu của Nga sang các loại dầu thay thế. Thậm chí, hiện Budapest chưa thể bắt đầu quá trình này.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Bulgaria Assen Vassilev ngày 9/5 cho biết Bulgaria sẽ chặn các lệnh trừng phạt Nga. Bulgaria cảnh báo không ủng hộ gói trừng phạt mới của EU nhằm vào Nga trừ khi nước này được miễn trừ khỏi biện pháp cấm mua dầu của Moscow.
Trong một diễn biến liên quan, hôm 10/5, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell bày tỏ hy vọng khối này sớm đạt được thỏa thuận về lệnh cấm vận dầu mỏ nhằm vào Nga. Dự kiến, Ngoại trưởng các nước thành viên EU nhóm họp vào ngày 16/5 tới.