Đầu năm tất bật đón khách
Một trong những thời điểm làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (Hà Đông) thu hút khá đông khách du lịch ghé thăm là dịp đầu năm. Du khách đến đây không chỉ để mua cho mình những sản phẩm lụa nức tiếng, mà còn được đắm chìm trong không gian tràn ngập sắc màu văn hóa lễ hội của một làng nghề truyền thống lâu đời. Tranh thủ dịp cuối tuần cho con về Thủ đô chơi, chị Trần Thanh Tuyền (tỉnh Nam Định) đã tìm về Vạn Phúc để sắm cho mình bộ áo dài cách tân. Chị chia sẻ: “Sản phẩm của làng nghề Vạn Phúc khá đa dạng về mẫu mã, màu sắc, chủng loại và kiểu dáng. Đặc biệt, dù hàng quán san sát nhưng không có hiện tượng chèo kéo khách và giá cả ổn định”.
Có lẽ lòng hiếu khách, thái độ thân thiện của người làng nghề cũng là một thuận lợi trong việc thu hút khách du lịch đến với Vạn Phúc. Ông Nguyễn Khắc Hà – Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc cho biết, từ đầu năm tới nay, lượng khách du lịch đến Vạn Phúc tăng lên đột biến. Chỉ trong 3 ngày hội làng (10 - 13/3 tháng Giêng), Vạn Phúc đã đón khoảng 10.000 lượt khách. Trong đó, ngoài khách nội địa, còn có một lượng lớn du khách quốc tế.
Tương tự, làng gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm) cũng có một khởi đầu khá thuận lợi khi đón lượng khách du lịch lớn đến thăm. Đặc biệt, lễ hội làng nghề Bát Tràng Xuân Đinh Dậu vừa diễn ra cách đây ít hôm chính là điểm nhấn quan trọng “mở hàng” cho mùa du lịch làng nghề. Thống kê của Ban tổ chức cho thấy, riêng trong 3 ngày diễn ra lễ hội (từ ngày 11 – 13/3), mỗi ngày có khoảng 300 khách du lịch đến tham quan ở khu vực đình làng Bát Tràng, nơi diễn ra các hoạt động chính của lễ hội. Đó là chưa kể hàng trăm du khách thường xuyên ghé thăm chợ gốm. Tổng doanh số bán hàng của làng nghề Bát Tràng đạt gần 1.000 tỷ đồng năm 2016 chứng minh cho sức hấp dẫn của làng nghề hàng ngàn năm tuổi này.
Nỗ lực tạo điểm nhấn
Phát huy thế mạnh của làng nghề gắn với du lịch là câu chuyện được TP Hà Nội cũng như nhiều sở, ngành liên quan trăn trở suốt những năm qua. Thế nhưng, trên thực tế, số lượng làng nghề làm du lịch tốt của Hà Nội cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự nỗ lực của một số làng nghề trong việc liên tục cải thiện mọi mặt, từ sản phẩm cho tới dịch vụ nhằm làm hài lòng du khách. Đơn cử như làng lụa Vạn Phúc đã tổ chức rà soát, thống kê các hộ kinh doanh, sản phẩm làng nghề tiêu biểu cũng như cơ sở phục vụ ăn uống, điểm di tích lịch sử, văn hóa để giới thiệu, quảng bá cho các DN du lịch. Bên cạnh đó, Vạn Phúc còn xây dựng bộ phận hỗ trợ du khách, thuyết minh viên, thiết lập đường dây nóng, đảm bảo VSMT, trang trí cảnh quan và hỗ trợ các hộ sản xuất đăng ký thương hiệu.
Tại làng nghề gốm sứ Bát Tràng, sản phẩm gốm luôn được cải tiến về mẫu mã, tạo dáng, có chất lượng ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Ngoài gốm sứ, Bát Tràng còn phát triển một số sản phẩm đặc sản ẩm thực của làng như món măng mực, xôi vò, chè kho, bánh chưng… Hơn nữa, Bát Tràng còn khéo léo khai thác yếu tố văn hóa, tâm linh, lịch sử từ các di tích Văn chỉ làng khoa bảng, đình, đền hay tổ chức lễ hội truyền thống để thu hút du khách. Ông Hà Văn Lâm – Thường trực Ban Tổ chức lễ hội làng nghề Bát Tràng chia sẻ, hàng năm không ít du khách Mỹ, Đan Mạch, Hà Lan lựa chọn thời điểm diễn ra lễ hội để đến thăm Bát Tràng. Đặc biệt, họ có nguyện vọng được đóng tiền như một người dân địa phương để tham gia trải nghiệm thụ lộc ngay tại đình sau khi các nghi lễ kết thúc…
Theo thống kê, Hà Nội hiện có hơn 1.300 làng nghề, trong đó có nhiều làng nghề có tiềm năng phát triển du lịch như dệt Phùng Xá, hương Xà Kiều, rèn Đa Sỹ, khảm trai Chuyên Mỹ… Nếu được khai thác tốt thế mạnh để phục vụ du lịch, chắc chắn các làng nghề sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân.
Tại hội nghị triển khai kế hoạch phát triển nghề và làng nghề Hà Nội năm 2017 tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu cũng đề nghị các cấp, ngành tập trung đẩy mạnh phát triển làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch văn hóa, lịch sử. |