Hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tại quận Tây Hồ

Huy động sự vào cuộc của toàn xã hội

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bằng nhiều hình thức phong phú, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành và sự đồng thuận của Nhân dân, công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy tại quận Tây Hồ đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Lấy người sau cai là trung tâm

Từ năm 2021, quận Tây Hồ triển khai mô hình “Tình nguyện viên giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng” trên địa bàn quận. Theo đó, người sau cai được chính quyền địa phương, ban ngành, đoàn thể, tình nguyện viên, tổ công tác cai nghiện tại cộng đồng hỗ trợ về tâm lý, tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ y tế và dự phòng lây nhiễm HIV. Cùng với đó hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng…

Lực lượng chức năng phường Phú Thượng tổ chức ra quân tuyên truyền phòng chống ma túy, mại dâm trên địa bàn. Ảnh: Vân Nhi
Lực lượng chức năng phường Phú Thượng tổ chức ra quân tuyên truyền phòng chống ma túy, mại dâm trên địa bàn. Ảnh: Vân Nhi

Quận Tây Hồ yêu cầu 100% các phường trên địa bàn triển khai tình nguyện viên tư vấn cách thức giải quyết khủng hoảng tâm lý, dự phòng tái nghiện, huy động sự giúp đỡ của gia đình, người thân. Cùng với đó, tình nguyện tư vấn, hướng dẫn người sau cai phương pháp khởi nghiệp, kỹ năng làm việc, hoạt động sản xuất, kinh doanh để có thu nhập ổn định cuộc sống.

UBND quận Tây Hồ cũng yêu cầu Đội tình nguyện các phường tăng cường kết nối với chính quyền, tổ chức đoàn thể, cơ sở sản xuất trên địa bàn, giới thiệu, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy có việc làm ổn định. Bên cạnh đó, Đội tình nguyện chủ động đề xuất với chính quyền tạo điều kiện cho tổ, nhóm, cá nhân người sau cai nghiện tham gia hoặc đảm nhận một phần việc, một công trình phù hợp với khả năng để có thu nhập. Chính quyền cũng dành những địa điểm có thể bán hàng, làm dịch vụ nhỏ để người sau cai nghiện được hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống.

Bằng nhiều hình thức, các tình nguyện viên tăng cường tuyên truyền để người dân trên địa bàn hiểu rõ nghiện ma túy có thể phòng ngừa và điều trị được. Từ đó mọi người không kỳ thị, phân biệt đối xử, tích cực tham gia giúp đỡ người cai nghiện bằng nhiều biện pháp, hình thức tùy theo điều kiện, khả năng của mỗi người trong cộng đồng. Đội tình nguyện viên thường xuyên nhận xét, đánh giá sự chuyển biến của người sau cai nghiện và giới thiệu những người có tiến bộ để chính quyền, đoàn thể xem xét giúp đỡ, cho phép tham gia làm tuyên truyền viên, cộng tác viên, tình nguyện viên.

Cộng đồng trách nhiệm

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị về công tác hỗ trợ quản lý người sau cai nghiện ma túy, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) Phạm Thị Thùy Linh cho biết, hiện nay, trên địa bàn phường có 52 trường hợp sử dụng ma túy. Trong đó 20 người đang cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy; 32 trường hợp có mặt tại địa bàn phường thì 31 người thuộc trường hợp quản lý sau cai nghiện, 1 đối tượng quản lý theo Nghị định 120/2021/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

“Phường đang quản lý 31 trường hợp sau cai nghiện ma túy. Những người sau khi hết thời gian cai nghiện trở về cộng đồng được công an phường tiếp nhận và lập hồ sơ quản lý tại nơi cư trú. Đồng thời, các thành viên Đội công tác xã hội tình nguyện quản lý, tiếp cận tư vấn, giúp đỡ đối tượng tái hòa nhập cộng đồng” – Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thượng Phạm Thị Thùy Linh cho biết.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương cho biết, để mô hình “Tình nguyện viên giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy, hòa nhập cộng đồng” đem lại hiệu quả, UBND quận đã giao Phòng LĐTB&XH phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội quận thực hiện tốt công tác hỗ trợ cho vay vốn, tạo việc làm đối với các hộ gia đình có người sau cai nghiện ma túy, người điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone theo quy định. Cùng với đó, Phòng LĐTB&XH quận phối hợp với những đơn vị có liên quan giới thiệu việc làm cho các đối tượng sau cai có công việc ổn định, hòa nhập cộng đồng.

UBND quận Tây Hồ yêu cầu Công an quận chỉ đạo các phường hàng tháng rà soát, đánh giá việc cảm hóa đối tượng, xóa bỏ mặc cảm, giao việc tự quản lý tại địa bàn có kiểm tra giám sát. Công an quận chỉ đạo công an phường thống kê, lập danh sách các đối tượng đi cai nghiện bắt buộc, vận động đưa đối tượng đi cai nghiện tự nguyện trở về địa phương thành công, không tái nghiện.

Cùng với đó, UBND quận Tây Hồ sẽ đề nghị các tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… phân công cán bộ, tình nguyện quản lý, giúp đỡ người nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, người sau cai ở cộng đồng để phòng ngừa, hạn chế tái nghiện.