Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Chương Mỹ nâng cao nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, với việc đẩy mạnh tuyên truyền, đã giúp nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn huyện Chương Mỹ trong thực hiện các chính sách về an toàn thực phẩm (ATTP).

Phó trưởng Phòng Y tế huyện Chương Mỹ Nguyễn Minh Ngọc cho biết, trên địa bàn huyện có tổng số 3.847 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, 3 siêu thị và 23 chợ truyền thống. Trong đó số cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực Công Thương là 1.448, NN&PTNT 1.065 và 1.319 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực y tế.

Từ năm 2023 đến nay, UBND huyện Chương Mỹ đã ban hành 5 quyết định, 15 kế hoạch và nhiều công văn chỉ đạo công tác đảm bảo ATTP. Kiện toàn Ban Chỉ đạo ATTP huyện và 32 xã/thị trấn với tổng số 584 người. Kiện toàn 35 đoàn kiểm tra liên ngành ATTP (huyện 3 đoàn, các xã, thị trấn 32 đoàn). Năm 2023, các đoàn đã tổ chức kiểm tra 1.027 lượt cơ sở, phát hiện, nhắc nhở và xử lý vi phạm hành chính 55 cơ sở, tổng số tiền xử phạt là hơn 80 triệu đồng. 

Kiểm tra tại bếp ăn tập trung trên địa bàn huyện Chương Mỹ (ảnh tư liệu).
Kiểm tra tại bếp ăn tập trung trên địa bàn huyện Chương Mỹ (ảnh tư liệu).

Theo Phó trưởng Phòng Y tế huyện Chương Mỹ, vào các dịp cao điểm như tết Nguyên Đán, mùa lễ hội, bằng nhiều hình thức (hội nghị truyền thông, tập huấn, hệ thông truyền thanh, cổng thông tin điện tử, bằng băng rôn, tờ rơi), huyện Chương Mỹ liên tục truyền thông tới công chúng về ATTP. Riêng hệ thống truyền thanh từ huyện đến xã, thị trấn năm 2023 đã phát sóng hơn 2.350 lượt tin bài về ATTP. Trung tâm Y tế huyện phối hợp tổ chức 40 lớp tập truyền và truyền thông kiến thức về ATTP cho hơn 3.000 người (là thành viên Ban Chỉ đạo ATTP của huyện và các xã, thị trấn; chủ cơ sở, người chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và bếp ăn tập thể trên địa bàn).

Ngoài ra Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã tổ chức 10 lớp tập huấn kiến thức cho 100 hộ dân về sản xuất rau, 10 lớp kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn. 

Thực phẩm, nông sản bày bán trong siêu thị ở huyện Chương Mỹ thường xuyên được ngành chức năng kiểm tra (ảnh tư liệu).
Thực phẩm, nông sản bày bán trong siêu thị ở huyện Chương Mỹ thường xuyên được ngành chức năng kiểm tra (ảnh tư liệu).

Quý I/2024, UBND huyện và Ban Chỉ đạo ATTP Chương Mỹ đã ban hành các kế hoạch và chỉ đạo 3 đoàn kiểm tra liên ngành của huyện cùng đoàn của các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, đảm bảo ATTP dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân năm 2024. Kết quả đã kiểm tra tổng số hơn 500 cơ sở (huyện kiểm tra 80 cơ sở, các xã, thị trấn kiểm tra 429 cơ sở), qua kiểm tra, đã xử lý 39 cơ sở vi phạm các quy định về ATTP, xử phạt số tiền 57 triệu đồng.

Từ đầu tháng 3 đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành y tế và Phòng GD&ĐT, tiếp tục kiểm tra công tác ATTP tại tất cả các trường học có bếp ăn bán trú cho học sinh trên địa bàn huyện, để chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu cho biết, UBND huyện Chương Mỹ đang tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức và pháp luật về ATTP. Trong đó, chú trọng Luật ATTP và các văn bản quy phạm liên quan, nhằm thay đổi trong nhận thức và hành vi về ATTP trong cộng đồng. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân trong thực hiện các quy định về ATTP. Huy động sự tham gia phối hợp của các cơ quan truyền thông trên địa bàn huyện và TP trong tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia vào các hoạt động bảo đảm chất lượng ATTP. 

Đoàn kiểm tra lấy mẫu thức ăn để kiểm tra ATTP trên địa bàn huyện Chương Mỹ (ảnh tư liệu).
Đoàn kiểm tra lấy mẫu thức ăn để kiểm tra ATTP trên địa bàn huyện Chương Mỹ (ảnh tư liệu).

UBND huyện cũng yêu cầu cơ quan chức năng, căn cứ đặc điểm, tình hình thực tế trên từng địa bàn để vận động, hướng dẫn người quản lý, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người dân về công tác ATTP. Chính vì thế tuyên truyền ATTP đã được đa dạng hóa (trang thông tin điện tử, hệ thống loa truyền thanh, và cơ quan báo chí của TP), thể hiện qua mạng xã hội như Zalo, Facebook. Ngoài ra ATTP còn được phổ biến trực tiếp tại các hội nghị, hội thảo, tập huấn, tọa đàm, tuyên truyền cổ động trực quan bằng các hình thức panô, tranh cổ động, băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi, tờ gấp.

Thông điệp ATTP còn được gửi tới người dân tại các lễ hội, điểm tập trung đông người, tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Tập thể, cá nhân, sản xuất chế biến thực phẩm an toàn được biểu dương, và những ai phát hiện, cung cấp thông tin về sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn đều được khen thưởng.

“Công khai cơ sở vi phạm các điều kiện về ATTP cho nhân dân biết, để họ có sự lựa chọn trong tiêu dùng, điều này cũng góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của người dân về ATTP”- Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ nhấn mạnh.