Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Gia Lâm: Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Để đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024, UBND huyện Gia Lâm đã ban hành kế hoạch và thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP. Qua công tác kiểm tra đã làm thay đổi về nhận thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại cơ sở sản xuất, kinh doanh ở xã Đông Dư.
Kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại cơ sở sản xuất, kinh doanh ở xã Đông Dư.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Gia Lâm có 4.057 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 1 trung tâm thương mại, 3 siêu thị, 28 chợ. Bên cạnh đó còn có 507 cơ sở phục vụ Tết và lễ hội (chủ yếu là sản xuất, kinh doanh giò chả, rượu bia, bánh mứt kẹo, đồ khô các loại…); 20 cơ sở bán lẻ rượu. Diện tích vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn là 1.800ha cây ăn quả, 650ha rau; đã chứng nhận theo tiêu chuẩn Vietgap là 515,73ha rau, quả; 2.590 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản lượng trung bình 1.478 tấn thịt hơi/tháng; 6 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.

Thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo ATTP trong dịp Tết và lễ hội đầu năm, UBND huyện Gia Lâm đã ban hành kế hoạch số 257/KH-UBND ngày 28/12/2023 về việc đảm bảo ATTP phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân năm 2024; Kế hoạch 272/KH-UBND ngày 28/12/2023 về đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch bệnh, ATVSTP, đáp ứng y tế phục vụ các hoạt động trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, triển khai đến các phòng, ban, ngành, đoàn thể thuộc huyện và các xã, thị trấn.

Trong đó, UBND huyện Gia Lâm đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành huyện kiểm tra đảm bảo ATTP phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân năm 2024. Cùng với đó, chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng và triển khai kế hoạch; thành lập đoàn kiểm tra các cơ sở thực phẩm trên địa bàn quản lý.

Kiểm tra ATTP tại cơ sở sản xuất, kinh doanh ở thị trấn Yên Viên.
Kiểm tra ATTP tại cơ sở sản xuất, kinh doanh ở thị trấn Yên Viên.

Công tác thông tin, tuyên truyền được chú trọng cả về bề nổi và chiều sâu, đa dạng trong hình thức tuyên truyền, tập trung trên nhiều phương tiện như hệ thống loa phát thanh, trang thông tin điện tử, các buổi sinh hoạt chuyên đề… Qua kiểm tra, các đoàn kiểm tra liên ngành của huyện, xã, thị trấn đã kiểm ta được 407 cơ sở, trong đó 389/407 cơ sở đảm bảo ATTP (chiếm 95,6%), xử phạt vi phạm hành chính 18 cơ sở (chiếm 4,4%) với số tiền 45,75 triệu đồng.

Trong đó, các đoàn kiểm tra của UBND huyện tổ chức kiểm tra tại 44 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 3 cơ sở với số tiền 10 triệu đồng. Trung tâm Y tế huyện và các trạm y tế xã, thị trấn giám sát ATTP tại 172 bữa cỗ tập trung đông người. Ngoài ra, Đội Quản lý thị trường sô 8 xử phạt 1 cơ sở với số tiền 18 triệu đồng, tiêu hủy hàng hóa trị giá 12 triệu đồng. Công an huyện xử phạt 5 trường hợp với số tiền 15 triệu đồng, tang vật thu giữ gồm: 1.008 bánh bông lan; 360,6kg dược liệu (160kg cẩu lĩnh, 80kg sài hổ, 20kg xấu hổ, 60kg táo đỏ, 40,6 kg kỷ tử).

Kiểm tra ATTP tại cơ sở sản xuất, kinh doanh ở thị trấn Yên Viên.
Kiểm tra ATTP tại cơ sở sản xuất, kinh doanh ở thị trấn Yên Viên.

Ngoài ra, huyện tiếp tục thực hiện mô hình “Nâng cao năng lực quản lý ATTP bếp ăn tập thể trường học” tại 2 trường học có bếp ăn tập thể theo chương trình của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội; mô hình “Kiểm soát ATTP tại bữa cỗ tập trung đông người” tại 22/22 xã, thị trấn.

Từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, huyện Gia Lâm tiếp tục triển khai các giải pháp đảm bảo ATTP, đặc biệt là các bữa cỗ tập trung đông người tại các lễ hội; tăng cường công tác kiểm tra liên ngành, lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp tết (giò, chả, xúc xích...) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời rà soát, kiểm soát hoạt động kinh doanh, bảo quản thực phẩm nhập khẩu ở các kho bãi trên địa bàn.