Huyện Gia Lâm: Vững bước trên chặng đường lên quận

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2023, mặc dù có nhiều khó khăn song với sự chủ động, sáng tạo, đoàn kết, nhất trí của cả hệ thống chính trị, huyện Gia Lâm đã hoàn thành nhiều mục tiêu quan trọng theo kế hoạch đề ra, khẳng định bước đi vững chắc trên chặng đường xây dựng huyện thành quận.

Kinh tế tăng trưởng ổn định

Theo Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền, năm 2023, huyện Gia Lâm cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch TP giao và HĐND huyện giao. Giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý ước tăng 10,2% so với năm 2022. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ lệ dịch vụ, công nghiệp - xây dựng; giảm tỷ lệ nông - lâm nghiệp - thủy sản. Thu nhập bình quân đầu người đạt 75,8 triệu đồng/người/năm.

Huyện Gia Lâm ngày càng phát triển về kinh tế - xã hội. Ảnh: Hoàng Quyết
Huyện Gia Lâm ngày càng phát triển về kinh tế - xã hội. Ảnh: Hoàng Quyết

Công tác tài chính ngân sách được quan tâm và tập trung chỉ đạo, bảo đảm giữ cân đối ngân sách. Huyện đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp quản lý thu, chi, điều hành ngân sách bám sát dự toán giao, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công.

Công tác quy hoạch, quản lý đô thị, đầu tư xây dựng cơ bản, giải phóng mặt bằng (GPMB) và tài nguyên, môi trường được quan tâm. Trong năm, huyện đã triển khai xin ý kiến cộng đồng dân cư các đồ án quy hoạch trên địa bàn gồm: Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; Đồ án Quy hoạch chi tiết bảo tồn làng nghề truyền thống kết hợp phát triển du lịch tại xã Bát Tràng. Hoàn thành quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 Khu công viên vườn hoa thuộc ô B1.1 tại thị trấn Trâu Quỳ. Phê duyệt 5 hồ sơ quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc; cung cấp thông tin quy hoạch, thông tin chỉ giới đường đỏ cho 15 tổ chức, cá nhân...

Công tác quản lý đô thị và trật tự xây dựng được chỉ đạo quyết liệt. Trong năm, huyện đã cấp 1.035 giấy phép xây dựng; kiểm tra 1.167 công trình xây dựng khởi công, phát hiện 57 trường hợp vi phạm. Tập trung xử lý vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng và vi phạm trật tự xây dựng năm 2023, đến nay đã giải quyết được hàng chục trường hợp.

Huyện cũng tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ công tác đầu tư xây dựng cơ bản, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ công tác GPMB. Năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công của huyện ước đạt 1.543,9 tỷ đồng, bằng 95,9% kế hoạch; hoàn thành bàn giao và đưa vào sử dụng 92 dự án. Huyện đã tổ chức thực hiện GPMB 50 dự án, ước đạt 84,7% kế hoạch. Công tác vệ sinh môi trường được duy trì thường xuyên, bảo đảm mỹ quan đô thị.

Hoàn thành Đề án đầu tư, xây dựng huyện thành quận

Đặc biệt năm 2023, huyện Gia Lâm đã triển khai quyết liệt, huy động toàn bộ hệ thống chính trị tập trung vào công tác đầu tư xây dựng huyện thành quận. Đến nay, huyện đã đạt 4/4 tiêu chuẩn, nhóm tiêu chuẩn và 31/31 tiêu chuẩn của nhóm tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội thành lập quận. Hoàn thành Đề án thành lập quận và Báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị khu vực dự kiến thành lập quận, phường thuộc huyện Gia Lâm trình các cấp có thẩm quyền bảo đảm kế hoạch TP giao.

Hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri đối với phương án thành lập quận và các phường thuộc quận. Trong năm, HĐND TP đã có Nghị quyết số 29/NQ-HĐND ngày 22/9/2023 tán thành chủ trương thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận Gia Lâm; đồng thời, UBND TP đã trình Bộ Xây dựng báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị khu vực dự kiến thành lập quận, phường thuộc huyện Gia Lâm, hiện đang hoàn thiện theo ý kiến của Bộ chuyên ngành theo quy định.

Công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu được tập trung chỉ đạo, kết quả đạt được đáng ghi nhận. Huyện đã hoàn thành hồ sơ trình TP công nhận 5 xã chuẩn NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mẫu theo kế hoạch năm 2023 và đang hoàn thiện hồ sơ, báo cáo, tài liệu minh chứng huyện đạt chuẩn NTM nâng cao gửi TP theo quy định.

Văn hóa, xã hội duy trì và phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm, chính sách xã hội thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Toàn huyện có 73/78 trường phổ thông cơ sở đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 93,4% và 4/4 trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Công tác xây dựng chính quyền và cải cách hành chính được quan tâm, triển khai có hiệu quả.

Tỷ lệ thủ tục hành chính cấp huyện và cấp xã đủ điều kiện cung cấp dịch vụ trực tuyến một phần đạt trên 93%. Tỷ lệ tiếp nhận trực tuyến đạt 14,16%; huyện đã giải quyết 107.825 hồ sơ đến hạn, 100% hồ sơ giải quyết đúng hạn. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Những kết quả đặc biệt quan trọng này là tiền đề để Gia Lâm bước vào năm “nước rút”, hoàn thành các mục tiêu, trọng trách đề ra.

Quyết tâm lớn trong chặng “nước rút”

Năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, huyện Gia Lâm xác định là năm “nước rút”, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, mục tiêu quan trọng nhất là đưa Gia Lâm trở thành quận văn minh, hiện đại ở phía Đông của Thủ đô.

Theo đó, năm 2024, huyện Gia Lâm dự kiến một số chỉ tiêu chủ yếu, như phấn đấu thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 4.287,1 tỷ đồng; chi ngân sách Nhà nước địa phương 2.103,7 tỷ đồng. Về văn hóa xã hội, duy trì tỷ lệ xã/thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 100%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 94,5%; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động đạt 45%; tỷ lệ hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa” đạt trên 90,0%; tỷ lệ thôn (làng) được công nhận và giữ vững danh hiệu “Làng văn hóa đạt trên 90,0%; tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa” đạt trên 90,0%; số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm 2 trường. Phấn đấu tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch đạt 100%; tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và vận chuyển trong ngày đạt 100%...

Để đạt được những mục tiêu đề ra, huyện Gia Lâm xác định tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; điều hành ngân sách tập trung, linh hoạt, bảo đảm cân đối thu chi ngân sách. Phấn đấu năm 2024, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý tăng 12%.

Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch và đầu tư, quản lý đô thị, xây dựng theo quy hoạch, gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường. Hoàn thành công tác xây dựng NTM nâng cao, thành lập quận và các phường thuộc quận Gia Lâm. Phấn đấu hoàn thành các thủ tục, hồ sơ công nhận huyện NTM nâng cao trong quý I/2024. Tiếp tục duy trì, củng cố, nâng cao các tiêu chí đạt, hoàn thiện các tiêu chí cơ bản đạt trong bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, kiểu mẫu và huyện NTM nâng cao.

Tập trung triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh trên địa bàn huyện Gia Lâm đến năm 2025. Cập nhật số liệu các tiêu chí, tiêu chuẩn thành lập quận, phường đến hết năm 2023. Tiếp tục phối hợp các sở, ngành theo chỉ đạo của UBND TP hoàn thiện hồ sơ Báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng, hồ sơ Đề án thành lập quận Gia Lâm. Phấn đấu năm 2024, thành lập quận và các phường thuộc quận Gia Lâm. Tập trung tổ chức thực hiện Đề án thành lập quận và các phường thuộc quận khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Huyện cũng tích cực tuyên truyền đa dạng các hình thức trực quan, sinh động về những thành tựu triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ xây dựng NTM và đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm thành quận. Chỉ đạo chuẩn bị tốt nhất mọi điều kiện đón nhận danh hiệu huyện NTM nâng cao và thành lập quận. Tiếp tục phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Tăng cường cải cách hành chính; đẩy mạnh chuyển đổi số; nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.