Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hy vọng lẫn lo lắng khi châu Á - Thái Bình Dương mở đón du khách quốc tế

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các điểm đến du lịch nổi tiếng trên khắp Đông Nam Á và Thái Bình Dương đang bắt đầu mở cửa trở lại với du khách quốc tế, và tự hỏi rằng một số biện pháp kiểm dịch mới liệu có thể ngăn chặn nguy cơ bùng phát Covid-19 thêm nữa?

Đảo Phuket, Thái Lan. Ảnh: ABC News
Thái Lan đã sớm thử nghiệm mở lại đảo Phuket cho khách du lịch nước ngoài từ tháng 7 năm nay, theo một chương trình gọi là "Hộp cát Phuket" (Phuket Sandbox). Theo chương trình này, du khách nước ngoài nhập cảnh phải ở tại Phuket đủ 14 ngày trước khi được phép đi du lịch ở những nơi khác trong Thái Lan.

Các du khách cũng phải được tiêm phòng đầy đủ và có xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 72 giờ sau khi đến Phuket, đồng thời phải thực hiện 3 lần xét nghiệm trong suốt 14 ngày tại Phuket.

Chương trình đã vấp phải không ít tranh cãi trong thời gian đầu do số ca nhiễm Covid-19 gia tăng mạnh, nhưng thực sự đã giúp hồi sinh ngành du lịch Thái Lan. ABC News dẫn lời Daniel Meury - Tổng giám đốc của một resort gần bãi biển Kamala ở Phuket - cho biết: "Trong suốt 15 tháng, chúng tôi không đón du khách quốc tế nào tại Phuket. Đó chắc chắn là một thách thức với bất kỳ nơi nào trên thế giới".

"Bây giờ ít nhất chúng tôi có số lượng khách và nguồn thu nhập nhất định, điều đó rõ ràng là giúp ích cho nền kinh tế rất nhiều - nhờ vào chương trình "hộp cát"" - Meury nói, nhưng cho biết thêm rằng một số khách sạn vẫn chỉ đang hoạt động với một nửa công suất, cần có thêm thời gian để hồi phục.

Tương tự Phuket, Chính phủ Thái Lan đang lên kế hoạch để mở lại các điểm hút khách "du lịch bụi", như Chiang Mai ở phía Bắc, khu du lịch biển Pattaya, Cha Am và Hua Hin, với du khách quốc tế kể từ ngày 1/10 tới. Chiang Rai, Koh Chang và Koh Kood dự kiến ​​cũng sẽ được mở vào cuối tháng tới và Bangkok sẽ mở cửa trở lại vào tháng 11.

Rộng hơn, "Hộp cát Phuket" đang trở thành một mô hình du lịch quốc tế cho nhiều quốc gia khác trong khu vực học tập. Việt Nam đã có kế hoạch cho phép du khách quốc tế đến đảo Phú Quốc kể từ đầu tháng tới. Ngoài ra, Fiji và Indonesia cũng đã công bố kế hoạch mở cửa lại biên giới cho người nước ngoài vào tháng 11 năm nay.
Đảo Phú Quốc, Việt Nam. Ảnh: Reuters 

Bali - hòn đảo nổi tiếng nhất của Indonesia - đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế đối với khách du lịch địa phương, sau một làn sóng lây nhiễm kinh hoàng kéo dài hơn 2 tháng, hướng đến mục tiêu đón khách quốc tế trở lại.

Rezuwana Burrhan, một người bản địa ở Bali, cho biết việc nhìn thấy du khách khiến bà cảm thấy được giải tỏa sau nhiều tháng bị hạn chế đi lại nghiêm ngặt. "Nó (Bali) đã giống như một thị trấn ma", Burrhan nói với ABC News, "nhưng giờ đây trông giống như mọi người đang cố gắng làm lại cuộc đời, đặc biệt là xung quanh bãi biển Kuta".

Mặc dù Bali vẫn còn duy trì một số hạn chế, các điểm du lịch nổi tiếng như bãi biển Kuta, đền Tanah Lot và rừng khỉ Sangeh hiện đã mở cửa cho người dân địa phương. Để được phép vào cửa, du khách phải cũng cấp được chứng nhận số cho thấy bản thân đã được chủng ngừa đầy đủ. Ở một số nơi, như đền Tanah Lot, mã QR đang được sử dụng để kiểm dịch du khách.

Bà Burrhan cho biết các biện pháp kiểm dịch mới mang lại cảm giác an toàn cho cộng đồng địa phương, trong bối cảnh vẫn còn những lo ngại về sự gián đoạn nào đó tiếp theo.

"Là những người làm du lịch, chúng tôi muốn mọi thứ được thông thoáng. Nhưng chúng tôi cũng sợ rằng nếu mở những cánh cổng đó, một đợt bùng phát khác sẽ ập đến và 1 hoặc 2 năm nữa sẽ xảy ra tình trạng tương tự", bà Burrhan nói, "lúc này chúng tôi cần nguồn thu để duy trì hoạt động, nhưng cũng không muốn virus tiếp tục là mối lo ngại với tất cả mọi người".

Du lịch là một ngành quan trọng đối với nhiều nền kinh tế Đông Nam Á. Năm 2019, ngành dịch vụ không khói chiếm hơn 20% GDP của Thái Lan, 10% tại Việt Nam và hơn 6% tại Indonesia. Ở khu vực Thái Bình Dương, con số này thậm chí còn cao hơn, khi đóng góp tới 40% GDP tại Fiji vào năm 2019, trong khi ở Vanuatu là gần 50%.

Bất chấp những lợi ích kinh tế của việc mở cửa, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Sanjaya Senanayake tại Đại học Quốc gia Australia cảnh báo những nguy cơ.

"Mở cửa biên giới đồng nghĩa với nguy cơ để để Covid-19 xâm nhập vào đất nước, dẫn đến các rủi ro bùng phát dịch ở quy mô lớn và gây áp lực đối với các ngành y tế địa phương", ông Senanayake nói với ABC News.

Nhưng vị chuyên gia cũng thừa nhận tác động tàn khốc mà đại dịch đã gây ra đối với sinh kế của người dân ở các nền kinh tế phụ thuộc lớn vào du lịch. "Cần cách tiếp cận thực dụng. Ở các quốc gia đang phát triển, việc cân bằng giữa việc áp dụng các quy trình y tế cộng đồng với vận hành nền kinh tế là một điều quan trọng", ông Senanayake nêu quan điểm, "sẽ cần sự kết hợp của nhiều chiến lược để đối phó với một lượng lớn người nước ngoài nhập cảnh vào quốc gia".