Iran đặt điều kiện quan trọng với Mỹ nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà lập pháp Iran đã yêu cầu Mỹ đảm bảo pháp lý để hồi sinh Thỏa thuận hạt nhân Iran, có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Các nhà lập pháp Iran đã yêu cầu Mỹ đảm bảo pháp lý để hồi sinh Thỏa thuận hạt nhân đa phương, ký năm 2015. Ảnh: Reuters
Các nhà lập pháp Iran đã yêu cầu Mỹ đảm bảo pháp lý để hồi sinh Thỏa thuận hạt nhân đa phương, ký năm 2015. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, đài truyền hình nhà nước Iran ngày 10/4 đưa tin các nhà lập pháp nước này đã yêu cầu Mỹ cung cấp đảm bảo pháp lý ‎để ngăn chặn các chính phủ tương lai của Mỹ rút khỏi thỏa thuận tiềm năng nhằm cứu vãn JCPOA.

Theo tuyên bố được 250 nghị sĩ Iran ký, Mỹ cần cung cấp cho Tehran sự đảm bảo pháp lý cần thiết rằng Washington sẽ không rút khỏi JCPOA một lần nữa, và vấn đề này phải được bảo đảm từ các thể chế ra quyết định của Mỹ, trong có có Quốc hội, dưới hình thức hoàn toàn hợp pháp nhằm không gây ra trở ngại nào đối với việc thực hiện thỏa thuận trong tương lai.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng cần cam kết rằng "các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ theo hiệp ước đã được khôi phục không nên được áp dụng lại và Iran sẽ không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt mới".

Cùng ngày, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian cho rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden cần dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt đối với Iran nhằm thể hiện thiện chí tiến tới khôi phục JCPOA.

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Amirabdollahian nhấn mạnh: "Nếu ông Biden có ý định dỡ bỏ trừng phạt và quay trở lại thỏa thuận hạt nhân, ông cần ban hành một sắc lệnh hành pháp nhằm thể hiện thiện chí thay vì áp đặt các biện pháp trừng phạt."

Theo ông Amirabdollahian, phía Iran đã từng nêu rõ với giới chức Mỹ rằng Washington cần đưa ra một hoặc 2 điểm thiết thực trước khi có thể đạt được bất kỳ thỏa thuận nào, ví dụ như dỡ bỏ phong tỏa các tài sản của Iran tại các ngân hàng nước ngoài. 

Năm 2015, Iran đã ký JCPOA với nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cùng với Đức).

Tuy nhiên, vào tháng 5/2018, cựu Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Tehran, khiến phía Iran cũng từ bỏ một số cam kết trong thỏa thuận.

Kể từ tháng 4 năm ngoái, Iran và các bên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân đã tiến hành 8 vòng đàm phán tại Vienna để khôi phục thỏa thuận. Mỹ tham gia gián tiếp thông qua trung gian là Liên minh châu Âu (EU), song hiện các bên đều cho rằng cả Tehran và Washington cần phải có các quyết định chính trị để giải quyết những vấn đề còn tồn tại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần